Được biết, từ ngày 18-8, công dân Nga có thị thực Schengen do Estonia cấp sẽ bị cấm nhập cảnh vào quốc gia Baltic này. Theo kênh truyền hình RT, lệnh cấm thị thực đã được Chính phủ Estonia thông qua vào tuần trước trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Động thái này đồng nghĩa với việc những người Nga đã được cấp thị thực sẽ bị từ chối nhập cảnh nếu họ qua các trạm kiểm soát Narva, Luhamaa và Koidula ở biên giới hai nước.
Tuy nhiên, có một vài nhóm người được miễn áp dụng quy định thị thực mới, bao gồm các nhà ngoại giao Nga làm việc tại Estonia và gia đình họ, những người làm việc trong ngành vận tải hành khách và hàng hóa quốc tế, người được quyền đi lại tự do theo luật của EU, những người cần nhập cảnh Estonia vì lý do nhân đạo, người thân của công dân Estonia và người có giấy phép cư trú lâu dài tại nước này.
Theo Reuters, Estonia đã đóng cửa biên giới đối với hơn 50.000 người Nga đã được cấp thị thực. Đây là quốc gia đầu tiên trong EU có động thái như vậy. Có khoảng 2.500 người Nga vào Estonia mỗi ngày, một nửa trong số này là sử dụng thị thực Schengen.
Người dân xếp hàng tại trạm kiểm soát biên giới Narva, Estonia. Ảnh: ERR News |
Trong khi đó, Phần Lan, quốc gia có đường biên giới dài 1.300km với Nga, mới đây cũng thông báo cắt giảm một nửa số lượng thị thực nhập cảnh dành cho người Nga. Hiện Phần Lan xử lý khoảng 1.000 đơn xin thị thực cho công dân Nga mỗi ngày. Nhưng từ ngày 1-9, con số này sẽ giảm xuống còn 500. Tối đa 20% trong số đó sẽ được phân bổ cho thị thực du lịch, có nghĩa là chỉ 100 thị thực du lịch được cấp mỗi ngày. Ông Pekka Haavisto, Ngoại trưởng Phần Lan cho biết: "Quyết định này sẽ làm gia tăng áp lực đối với EU hoặc khu vực Schengen về một chính sách chung hạn chế thị thực cho người Nga, chủ đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của EU vào cuối tháng 8".
Vấn đề hạn chế thị thực đối với công dân Nga đang ngày càng gây chia rẽ trong EU. Ngoài 6 quốc gia thành viên ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trên toàn EU đối với công dân xứ sở bạch dương, đa số các quốc gia khác trong EU, bao gồm cả Đức và Pháp không ủng hộ lệnh cấm này.
Theo trang Politico, ngày 16-8, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố phản đối việc hạn chế thị thực đối với công dân Nga trên toàn lãnh thổ EU. Theo ông Olaf Scholz, chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành tại Ukraine "không phải là cuộc chiến của người dân Nga". Thủ tướng Đức nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo châu Âu nên nhận thức và phân biệt rõ người dân Nga nói chung và giới lãnh đạo Nga nói riêng.
"Đầu tháng 8, Chính phủ Đức đã bắt đầu thảo luận về dự thảo quyết định của EU cấm cấp thị thực Schengen với công dân Nga như một phần của gói trừng phạt tiếp theo. Tuy nhiên, lệnh cấm thị thực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những công dân Nga vô tội. Chúng ta không nên gây khó khăn cho người Nga bằng cách đóng cửa biên giới với họ", ông Olaf Scholz quả quyết.
Trước đó, ông Olaf Scholz cũng bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của biện pháp này, cho rằng lệnh cấm toàn diện đối với tất cả người Nga sẽ làm suy yếu mục đích và tác dụng của các biện pháp trừng phạt đã được áp dụng nhằm vào những người ủng hộ cuộc xung đột ở Ukraine.
Bên cạnh Đức, Pháp và Hà Lan cũng là hai thành viên chủ chốt của EU phản đối hạn chế thị thực đối với công dân Nga. Trước đó, Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ rằng lập trường của Liên hợp quốc là chống lại sự phân biệt đối xử.
Quyết định hạn chế thị thực của một số nước EU đã gây bức xúc cho nhiều người Nga. Nguyên nhân là do kể từ khi nổ ra xung đột tại Ukraine, các chuyến bay từ Nga đến EU bị cấm, người Nga chỉ có thể đến các nước EU thông qua biên giới trên bộ với các nước láng giềng.