G7 nhất trí thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm

Vũ Xuân Kiên

Các bộ trưởng G7 nhất trí tiến hành các cuộc thảo luận trong tương lai về AI tạo sinh, trong đó tập trung thảo luận các vấn đề như quản trị, thúc đẩy tính minh bạch và giải quyết thông tin sai lệch.

Các bộ trưởng công nghệ và kỹ thuật số của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 30/4 đã nhất trí thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) "có trách nhiệm" trong bối cảnh các nước tìm cách tận dụng những công nghệ đang phát triển nhanh chóng như ChatGPT, được cho là có thể mang lại lợi ích cao song gây ra quan ngại liên quan đến quyền riêng tư và nguy cơ bị lạm dụng.

g7-tri-tue-nhan-tao-1683019046.jpg
Quang cảnh Hội nghị các Bộ trưởng Công nghệ và kỹ thuật số Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Takasaki, tỉnh Gunma (Nhật Bản) ngày 29/4/2023. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Bên cạnh đó, các bộ trưởng G7 cũng khẳng định sự cần thiết của việc thiết lập thỏa thuận quốc tế nhằm tăng cường sự lưu thông tự do dữ liệu tin cậy xuyên biên giới do việc trao đổi dữ liệu hiện là một trong những hoạt động chính của thương mại toàn cầu.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau khi kết thúc hội nghị kéo dài hai ngày ở thành phố Takasaki, tỉnh Gunma, miền Đông Nhật Bản, các Bộ trưởng công nghệ và kỹ thuật số G7 cho rằng trong bối cảnh các công nghệ AI tạo sinh đang phát triển mạnh tại nhiều nước và trong nhiều lĩnh vực, cần sớm nắm bắt cơ hội và thách thức của các công nghệ này cũng như tiếp tục thúc đẩy sự an toàn và tin cậy.

Các bộ trưởng cũng nhất trí về kế hoạch hành động hướng tới "tạo môi trường mở và thuận lợi cho sự đổi mới sáng tạo AI có trách nhiệm", kêu gọi sự tham gia rộng rãi hơn của các bên liên quan trong việc phát triển các tiêu chuẩn quốc tế đối với khuôn khổ quản trị AI và thúc đẩy đối thoại về các chủ đề như đánh giá rủi ro.

Để thúc đẩy cái gọi là Lưu thông thông tin tự do với độ tin cậy (Data Free Flow with Trust - DFFT) - vốn được Nhật Bản đề xuất đầu tiên vào năm 2019, các Bộ trưởng G7 nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng tốc và biến ý tưởng thành hành động, coi việc lưu thông dữ liệu là "yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển và phúc lợi xã hội."

DFFT ra đời nhằm kích hoạt toàn bộ tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư và bảo mật của các cá nhân và doanh nghiệp.

Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu vạch ra lộ trình cho các dự án trong tương lai như tạo cơ sở đăng ký mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để tham khảo các quy định về dữ liệu của các nước khác.

Các bộ trưởng của G7 (gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ) và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua các kế hoạch hành động khác trong quản trị Internet và tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có khả năng chống chọi trước các rủi ro địa chính trị.

chatgpt-1-1683019046.jpg
Những công nghệ đang phát triển nhanh chóng như ChatGPT được cho là có thể mang lại lợi ích cao song gây ra quan ngại liên quan đến quyền riêng tư và nguy cơ bị lạm dụng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm hợp tác của G7 khỏi các mối đe dọa, cũng như cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng mạng an toàn để hỗ trợ các quốc gia mới nổi và đang phát triển, đồng thời thúc đẩy hợp tác để cải thiện khả năng kết nối của các tuyến cáp quang biển.

Tuyên bố chung cũng đưa ra các nguyên tắc để các nhà hoạch định chính sách quản lý việc sử dụng AI và các công nghệ mới nổi khác, trong đó có pháp quyền và tận dụng các cơ hội đổi mới sáng tạo.

Các bộ trưởng công nghệ và kỹ thuật số G7 cũng nhất trí tiến hành các cuộc thảo luận trong tương lai về AI tạo sinh, trong đó tập trung thảo luận các vấn đề như quản trị, thúc đẩy tính minh bạch và giải quyết thông tin sai lệch./.