Đối với kim loại quý, giá bạc tiếp tục dao động quanh vùng giá cao nhất 12 năm nhờ tăng 2,83% lên 35,04 USD/ounce. Đây cũng là phiên tăng thứ ba liên tiếp của giá bạc. Giá bạch kim cũng phục hồi trở lại khi bật tăng 2,42% lên 1.041,4 USD/ounce. Giá kim loại quý tiếp tục được hưởng lợi khi nhu cầu đầu tư tài sản trú ẩn an toàn tăng cao trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Lực mua bạc và bạch kim cũng gia tăng sau dự báo mới đây của Citigroup. Ngân hàng này đã điều chỉnh dự báo giá bạc trong 6 đến 12 tháng tới lên 40 USD/ounce, từ mức 38 USD/ounce trong dự báo trước đó. Đối với bạch kim, Citi dự báo mục tiêu giá 3 tháng tới là 1.025 USD/ounce và mục tiêu giá 6 đến 12 tháng là 1.100 USD/ounce.
Ảnh minh họa.
Hơn nữa, giá bạc, mặt hàng nhạy cảm với yếu tố vĩ mô hơn so với bạch kim, tiếp tục được hỗ trợ khi thị trường phản ứng tích cực với động thái hạ lãi suất mới đây của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới. Cụ thể, vào sáng 21/10, các ngân hàng Trung Quốc đã cắt giảm 25 điểm cơ bản đối với lãi suất cho vay cơ bản (LPR) ở cả hai kỳ hạn là một năm và năm năm, hiện lần lượt neo ở mức 3,1% và 3,6%.
Đối với kim loại cơ bản, giá nhôm LME tiếp tục mở rộng mức tăng 1,46% lên 2.633,5 USD/tấn, mức cao nhất hơn hai tuần. Trong thời gian gần đây, giá nhôm đón nhận lực mua mạnh mẽ do nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ lo ngại nguồn cung nguyên liệu thô thắt chặt.
Theo các nguồn tin trong ngành, nguồn cung alumina, nguyên liệu thô để sản xuất nhôm sơ cấp, đang thu hẹp đáng kể do thiếu hụt quặng bauxite, nhất là tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Australia và Guinea. Điều này đã thúc đẩy giá các nguyên liệu thô liên tục tăng mạnh đồng thời kéo theo kỳ vọng giá nhôm cũng tăng mạnh trong thời gian tới.