Ngày 19/8, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, giá sản xuất tại Đức đã tăng với tốc độ kỷ lục trong tháng 7/2022, với các sản phẩm công nghiệp đắt hơn 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá năng lượng tăng hơn gấp đôi tiếp tục là nguyên nhân chính làm giá hàng hóa tính tại cổng nhà máy tăng vọt. Destatis cho biết nếu chi phí năng lượng không tăng, giá sản xuất ở Đức sẽ chỉ tăng 14,6% trong tháng Bảy vừa qua.
Giá khí đốt tự nhiên đặc biệt tăng mạnh 163,8% so với tháng 7/2021. Đối với ngành công nghiệp Đức, giá khí đốt trong tháng Bảy vừa qua tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các nhà điều hành nhà máy điện lại chứng kiến giá khi đốt tăng hơn gấp đôi.
Tháng trước, chính phủ Đức đã cứu nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất nước này là Uniper khỏi tình trạng vỡ nợ bằng cách mua 30% cổ phần của công ty. Các khoản viện trợ khác cũng được đưa ra bằng cách mở rộng hạn mức tín dụng hiện có từ 2 tỷ euro lên 9 tỷ euro (9,09 tỷ USD).
Lạm phát ở Đức đạt mức đỉnh 7,9% vào tháng 5/2022, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên vào năm 1973. Giá tiêu dùng nước này kể từ đó đã chậm lại, đạt 7,5% vào tháng 7/2022. Trong khi đó, giá các sản phẩm năng lượng khác tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ tháng 10 tới, một mức thuế khí đốt đặc biệt sẽ cho phép các công ty tiện ích của Đức chuyển chi phí giá khí đốt cao cho người tiêu dùng cho đến tháng 3/2024. Viện Kinh tế Đức (IW) cảnh báo rằng, tình hình trên "có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tháng tới.
Để chống lại tác động của loại thuế mới, thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với khí đốt sẽ được giảm từ 19% xuống 7%. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: “Với bước đi này, chúng tôi đang giúp khách hàng giảm nhẹ bớt gánh nặng về phụ thu.”
Ngoài các gói cứu trợ trước đó với tổng trị giá 30 tỷ euro, Thủ tướng Scholz cũng cam kết đưa ra các gói cứu trợ mạnh hơn nữa trong những tuần tới để giảm bớt áp lực lớn đang đè nặng lên nhiều người dân, cũng như các doanh nghiệp Đức./.