Giải ngân vốn đầu tư công trong nông nghiệp ước đạt trên 75%

Vũ Xuân Kiên

Năm 2022, phần lớn các dự án thuộc trung hạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ bản hoàn thành, còn ba dự án lớn là hồ Krông Pách Thượng, hồ Cánh Tạng, hồ Bản Mồng có vướng mắc.

Theo Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 của Bộ ước đạt trên 75%; trong đó vốn trong nước đạt 80%, vốn nước ngoài đạt 70%.

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 6.438 tỷ đồng, gồm vốn trong nước là 4.538 tỷ đồng, vốn ODA là 1.900 tỷ đồng.

ttxvn-ban-mong-1-1673594671.jpg
Công trình hồ thủy lợi Bản Mồng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 130 dự án mở mới. Hiện, Bộ đã phê duyệt 73 dự án, dự án thành phần. Các chủ đầu tư đang tổ chức lựa chọn nhà thầu cho 38 dự án, dự án thành phần và khởi công trước 31/12/2022.

Năm 2022, phần lớn các dự án thuộc trung hạn 2016-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cơ bản hoàn thành. Phần khối lượng còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện, chủ yếu là công tác hoàn thiện trước khi bàn giao đưa vào sử dụng.

Ba dự án lớn là hồ Krông Pách Thượng (tỉnh Đắk Lắk), hồ Cánh Tạng (tỉnh Hòa Bình), hồ Bản Mồng (tỉnh Nghệ An) còn vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Các dự án mở mới thuộc trung hạn 2021-2025 hiện đang trong giai đoạn khảo sát, thiết kế, chuẩn bị kỹ thuật nên mặc dù khối lượng công việc phải thực hiện rất nhiều nhưng giá trị giải ngân thấp, khối lượng giải ngân chủ yếu sau khi các dự án khởi công mới thực hiện được.

Với các dự án mở mới, theo quy định hiện hành, hầu hết các dự án phải qua 3 giai đoạn thiết kế: lập báo cáo nghiên cứu khả thi; thiết kế kỹ thuật; bản vẽ thi công. Mỗi giai đoạn cần ít nhất 3 tháng để thực hiện, do vậy khối lượng thực hiện 3 quý của năm chủ yếu là tư vấn, khảo sát thiết kế, dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp. Khối lượng giải ngân tập trung vào quý 4/2022 và tháng 1/2023 (ứng hợp đồng sau khi tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp).

Bên cạnh đó, các quy hoạch thời kỳ trước 2020 đã hết hiệu lực, các quy hoạch thời kỳ sau 2020 đến 2030 chưa được phê duyệt, khó khăn cho công tác thẩm định sự phù hợp với quy hoạch của dự án.

Các tỉnh chưa cập nhật, ban hành báo giá sát với thực tế (thực tế chênh lệch so với công bố giá khoảng 20-25%) trong khi hiện nay đơn giá nguyên vật liệu, công xây dựng cũng như đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng nhanh dẫn tới có khả năng ảnh hưởng tới quy mô, nhiệm vụ, tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt ở giai đoạn chủ trương đầu tư...

Riêng với 3 dự án lớn, đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết với dự án hồ Krông Pách Thượng, Bộ đã nhiều lần làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhưng tiến độ triển khai giải phóng mặt bằng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là di dân lòng hồ để chặn dòng, thi công công trình đầu mối.

Hồ Cánh Tạng và hồ Bản Mồng vướng về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án. Khi xây dựng kế hoạch năm 2022, Bộ dự kiến sẽ điều chỉnh xong trong quý 2/2022 nhưng đến nay chưa xong thủ tục điều chỉnh, vì vậy không kịp thực hiện giải phóng mặt bằng và chặn dòng trong năm 2022 để thi công, giải ngân số vốn dự kiến phân bổ từ đầu năm.

Theo Cục Quản lý xây dựng công trình, đơn vị tiếp tục tập trung đôn đốc các dự án được Chính phủ cho phép kéo dài sang 2023, 2024, trong đó ưu tiên các công trình lớn: hồ Krông Pách Thượng, hồ Cánh Tạng, hồ Bản Mồng và hồ Sông Chò (tỉnh Khánh Hòa)./.