Chị Bùi Thị Mai ngụ tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước), quanh năm làm thuê, làm mướn vất vả, song kinh tế gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Biết hoàn cảnh gia đình chị, năm 2013, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bù Đốp phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành xã Thiện Hưng bình xét và cho gia đình chị vay 30 triệu đồng.
Từ nguồn vốn này, chị Mai đã đầu tư nuôi 4 con dê sinh sản và 1 con lợn giống. Nhờ chăm chỉ làm ăn, sau 3 năm, chị Mai đã trả hết vốn vay và tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng nữa để trồng 1ha cao su, 1ha hồ tiêu. Chị Mai tâm sự: "Lúc đầu vay vốn 30 triệu đồng, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi cũng rất lo lắng, song được các ban, ngành địa phương tư vấn chọn mô hình chăn nuôi phù hợp và tích cực hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững. Đến nay, trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi gần 100 triệu đồng/năm...".
Mô hình nuôi dê thoát nghèo của nông dân tỉnh Bình Phước. |
Với phương châm “thấu hiểu lòng dân”, trong 20 năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh Bình Phước đã tạo điều kiện cho hơn 488.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền hơn 8.395 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các địa phương đã giúp hơn 53.300 hộ thoát nghèo, hơn 30.500 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 34.400 lao động, xây dựng nên nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với ngân hàng rà soát cho vay vốn đúng đối tượng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. 20 năm qua, các cấp đã tổ chức kiểm tra, giám sát 455 lượt cấp huyện, gần 4.800 lượt cấp xã và hơn 4.200 lượt điểm giao dịch xã, hơn 14.800 lượt tại tổ tiết kiệm vay vốn. Ngân hàng CSXH tỉnh luôn gắn hoạt động tín dụng với thực hiện các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương và mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Bình Phước. Các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt công tác nhận ủy thác, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao. Cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ động phối hợp với ngân hàng hướng dẫn cụ thể những thủ tục vay vốn, tạo thuận lợi cho bà con tiếp cận nguồn vốn. Các ban, ngành cũng thành lập các tổ tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ các hộ dân về kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cụ thể. Định kỳ, các địa phương tổ chức rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình, mô hình hay, cách làm hiệu quả, đồng thời khắc phục những hạn chế.
Theo đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, tín dụng chính sách đã đáp ứng cơ bản nhu cầu các đối tượng được hỗ trợ; các chương trình cho vay vốn không ngừng được mở rộng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, qua đó xây dựng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Bình Phước phấn đấu giảm 2.000-2.500 hộ nghèo/năm. Vì vậy, Ngân hàng CSXH cần chủ động tạo lập nguồn vốn ổn định, lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi, góp phần thiết thực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian tới.
Bài và ảnh: THUYÊN NGUYỄN