Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Nhiều địa phương tạm dừng để kiểm tra, rà soát

Admin

Trước những phản ánh bức xúc của phụ huynh học sinh, nhiều địa phương đã tạm dừng các chương trình giáo dục đào tạo liên kết để kiểm tra, rà soát.

Tạm dừng để... sắp xếp lại thời khóa biểu

Tại Thủ đô Hà Nội, các trường học của huyện Thanh Trì và Sóc Sơn đồng loạt tạm dừng, dạy liên kết, sắp xếp lại thời khóa biểu.

Trao đổi với báo Sức khỏe & Đời sống, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết đã yêu cầu các trường tạm dừng dạy liên kết bắt đầu từ ngày 2/10, đồng thời sẽ kiểm tra, rà soát, đánh giá lại việc tổ chức giảng dạy chương trình liên kết và hoạt động ngoài giờ chính khóa.

LTS: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học

Vừa qua, một số phụ huynh có con đang theo học tại trường THPT, THCS, tiểu học trên cả nước cho biết, đầu năm học nhiều trường đã cho phụ huynh viết đơn “tự nguyện” đăng ký học tiếng Anh người nước ngoài, kỹ năng sống. Dù vậy, do công tác quản lý còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng về chất lượng của phụ huynh và tạo ra dư luận không tốt thời gian qua. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đã có phương án xử lý như thế nào? Xin kính mời quý độc giả cùng theo dõi tuyến bài “Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học” trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin.

Trong khi đó, Phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn cũng có công văn đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tạm dừng toàn bộ hoạt động liên kết trong các nhà trường trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện này đề nghị các trường học tuyệt đối không được ép buộc học sinh, phụ huynh học sinh học các chương trình liên kết trong nhà trường với bất kỳ hình thức nào; không sắp xếp thời khoá biểu học chương trình liên kết xen kẽ với các buổi học chính khóa của học sinh.

Trước thực trạng trên, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tuyệt đối không được chèn giờ dạy liên kết vào chương trình chính khóa nếu không đủ 100% học sinh tự nguyện đăng ký tham gia.

Các trường có thể đưa ra nhiều nội dung, nhiều chương trình nhưng không để học sinh chọn tất cả nội dung đó. Nhà trường nên khuyến cáo để học sinh chọn từ 1-2 nội dung để bảo đảm vừa sức, không gây áp lực cho học sinh và gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng yêu cầu việc liên kết dạy học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống tại các trường phải bảo đảm đúng quy định, quy trình và nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh mới triển khai.

Tại Hội nghị giao ban với 54 trung tâm tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, Giám đốc Sở GD&ĐT đã quán triệt và yêu cầu các trung tâm nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường thực hiện các quy định về liên kết giáo dục.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng đang kiểm tra một số phòng giáo dục và đi thực tế các trường, trong đó có việc tổ chức dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài. Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, đây là môn học tự nguyện, các trường chỉ được tổ chức ngoài giờ học chính khóa. Sở này nghiêm cấm việc gợi ý, ép buộc học sinh tham gia.

Sở GD&ĐT An Giang vừa ban hành công văn chấn chỉnh việc nuôi giữ, chăm sóc học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở ngoài nhà trường. Theo đó, để kịp thời chấn chỉnh việc nuôi giữ, chăm sóc học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở ngoài nhà trường, Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở triển khai lại các nội dung quy định trước đó cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh và người dân trên địa bàn biết, thực hiện đúng quy định.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về hoạt động nuôi giữ, chăm sóc học sinh ngoài giờ học chính khóa; không được tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào tại cơ sở nuôi giữ và chăm sóc học sinh.

Giáo dục - Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong trường học: Nhiều địa phương tạm dừng để kiểm tra, rà soát

Ảnh minh họa.

Trước đó, hồi cuối tháng 7, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã ban hành công văn về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm. Cụ thể, Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm, nghiêm cấm việc ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học buổi chiều 2 buổi/ngày, học sinh tiểu học (ngoại trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống).

Chia sẻ xoay quanh vấn đề "vấn nạn" dạy liên kết tràn lan trên báo Dân Trí, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khẳng định, việc chèn môn liên kết vào lịch học chính khóa không phải do thiết kế Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc tăng thời gian học ở trường là để học sinh có điều kiện tham gia các hoạt động về thể chất, nghệ thuật, âm nhạc, trải nghiệm nhằm phát triển toàn diện chứ không phải để tăng giờ cho các môn cơ bản như toán, văn, ngoại ngữ… làm tăng áp lực cho học sinh và tăng chi phí học tập với phụ huynh.

"Mục tiêu của việc thiết kế học 2 buổi/ngày ở tiểu học chắc chắn không phải tạo điều kiện cho các nhà trường kết hợp với đơn vị liên kết đưa môn học, hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào giờ học chính khóa rồi buộc học sinh, phụ huynh phải đăng ký học và trả tiền".

Đáng chú ý, trước đó, Nghệ An là địa phương đầu tiên quyết định tạm dừng hoạt động liên kết với các trung tâm để đào tạo kỹ năng sống cho học sinh trong các nhà trường, cơ sở giáo dục để rà soát lại các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Sau khi rà soát, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, địa phương cũng đã quyết định tạm dừng việc liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống. Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm....

Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh Nghệ An cho rằng, quyết định nói trên nhằm chấn chỉnh những bất cập trong hoạt động liên kết tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh trong thời gian qua.

Nhiều trường "cố tình lách luật"

Thầy Trần Mạnh Tùng ở Hà Nội chia sẻ với báo VOV, điều lo ngại nhất là chất lượng các dạy liên kết trong trường học đang bị thả nổi.

Theo quy định, các chương trình liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp được các trường tổ chức theo tinh thần thoả thuận giữa nhà trường với các bậc phụ huynh. Phụ huynh hoàn toàn có thể lựa chọn đăng ký cho con học hoặc không, tuỳ vào điều kiện, nhu cầu của mỗi gia đình.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên kết được Sở GD&ĐT cấp phép, thẩm định chương trình. Khi chọn đơn vị liên kết bổ trợ, nhà trường cần nghiên cứu hồ sơ, làm tờ trình lên Phòng GD&ĐT, xin ý kiến tổ chức trên tinh thần thoả thuận với các phụ huynh.

"Tuy nhiên, khác với các hoạt động giáo dục trong nhà trường, hoạt động liên kết không được giám sát, kiểm tra, đánh giá theo quy định vì vậy phụ huynh, xã hội lo ngại về chất lượng cũng là điều dễ hiểu", thầy Tùng nói.

Thông tin thêm trên Kinh Tế & Đô Thị, hành lang pháp lý để triển khai hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa được quy định tại nhiều luật và cụ thể hóa trong các nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế không ít nhà trường đã cố tình lách thông tư, thực hiện không đúng quy định dẫn đến hình thức mục tiêu của hoạt động này bị bóp méo, từ đó gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, trước phản ứng của dư luận và phụ huynh học sinh về những bất cập của hoạt động liên kết giáo dục ngoài giờ chính khóa, Bộ GD&ĐT cùng Sở GD&ĐT nhiều địa phương đã vào cuộc, đồng thời ra chỉ đạo để chấn chỉnh hoạt động này.

Quy định về liên kết, đào tạo, không phải ai cũng biết

Việc liên kết dạy học trong các trường học được thực hiện trên cơ sở Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học và Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Trước đó vào tháng 3/2023, trả lời cử tri về vấn đề dạy thêm học thêm ngày càng nở rộ, bất chấp lệnh cấm, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện một số quy định khác của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường vẫn có hiệu lực thi hành, như: nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Thông tư 17 cũng nêu rõ, giáo viên không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm… Thông tư này còn quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…".

Trúc Chi (t/h)