Gỗ Việt Nam liên tục được Ấn Độ đổ tiền mua - Mỹ, Trung Quốc đều ưa chuộng, thu về chục tỷ USD từ đầu năm

Admin

Việt Nam đang xếp thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Gỗ Việt Nam liên tục được Ấn Độ đổ tiền mua - Mỹ, Trung Quốc đều ưa chuộng, thu về chục tỷ USD từ đầu năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, tăng 10,9% so với tháng 9/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 902,5 triệu USD, tăng 19,8% so với tháng 9/2023.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,7 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,04 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu, trị giá xuất khẩu sang các thị trường chính vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024, chỉ có xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc giảm nhẹ.

Gỗ Việt Nam liên tục được Ấn Độ đổ tiền mua - Mỹ, Trung Quốc đều ưa chuộng, thu về chục tỷ USD từ đầu năm- Ảnh 2.

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm 2024 là thị trường Hoa Kỳ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,4%. Nhật Bản đứng thứ 3, đạt 1,26 tỷ USD, tăng 0,1%.

Bên cạnh các thị trường lớn, xuất khẩu tới nhiều thị trường tiềm năng cũng tăng trưởng tốt. Trong đó, đáng chú ý là trị giá xuất khẩu gỗ sang Ấn Độ trong tháng 9 đạt 19,75 triệu USD, tăng 56,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là tháng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm.

Tính chung 9 tháng, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt gần 120 triệu USD, tăng 55% so với 9T/2023, chiếm 1% thị phần.

Ấn Độ được xác định là một trong những thị trường tiềm năng cho đồ gỗ và nội thất xuất khẩu của Việt Nam, với giá trị giao dịch mặt hàng này tăng trưởng khá nhanh trong 2 năm gần đây.

Gỗ Việt Nam liên tục được Ấn Độ đổ tiền mua - Mỹ, Trung Quốc đều ưa chuộng, thu về chục tỷ USD từ đầu năm- Ảnh 3.

Sau đại dịch COVID-19, xu hướng làm việc tại nhà gia tăng, mang lại sự tăng trưởng rõ rệt trong lĩnh vực bán đồ nội thất gia đình, trong đó có việc tiêu thụ các sản phẩm bàn ghế thông minh, đa chức năng, tiết kiệm diện tích để tối ưu hóa không gian hạn chế tại nhà.

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, ngành nội thất và thiết kế của Ấn Độ đang bùng nổ do thị trường bất động sản đang phát triển, dân số ngày càng tăng, mức thu nhập tăng và quá trình đô thị hóa không ngừng biến đổi.

Với tổng quy mô thị trường là 41 tỷ USD, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ đồ nội thất lớn thứ tư thế giới. Doanh số bán nhà tại Ấn Độ trong tài khóa 2022-2023 cao hơn 36% so với tài khóa trước đó. Trong khi đó, ngành khách sạn cũng tăng trưởng mạnh, dự kiến bổ sung thêm 12.000 phòng trong năm tới và thu hút khoảng 2,3 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2028.

Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc) về nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.

Đến nay, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.

Hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, bởi tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường.

Xung đột địa chính trị, ác động giá cước vận tải biển tăng cao dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng, khiến giá thành sản phẩm đầu ra tăng. Điều này sẽ tác động tới đà tăng trưởng của ngành gỗ và có khả năng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ hoàn thành 90% đến 95% kế hoạch đề ra trong năm 2024.