Hà Nội kiểm tra đột xuất công tác an toàn thực phẩm tại các trường học

Admin

Hà Nội sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nước sinh hoạt, nước uống, thực phẩm tại các trường học trên địa bàn Thành phố.

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành Chương trình sức khỏe học đường và An toàn thực phẩm trong trường học năm học 2024 -2025.

Đoàn 1 do bà Vương Hương Giang - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội làm trưởng đoàn. Đoàn 2 do ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm trưởng đoàn.

Thành viên các đoàn kiểm tra này gồm các cán bộ thuộc Sở GD&ĐT và Sở Y tế.

Việc kiểm tra sẽ được thực hiện đột xuất từ 21/10 đến 25/10, tại các trường mầm non, tiểu học và THCS tại Hà Nội.

Đoàn có nhiệm vụ kiểm tra công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động Chương trình sức khỏe học đường và đảm bảo An toàn thực phẩm trong trường học; Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về sức khỏe học đường: Chăm sóc, quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh; Phòng chống bệnh tật học đường, dinh dưỡng học đường, phòng chống tai nạn thương tích; Vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo nước sạch.

Hai đoàn cũng sẽ kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nước uống trong trường học và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn trường học; Tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nước sinh hoạt/nước uống/thực phẩm.

Sau quá trình này, Đoàn tổng hợp kết quả kiểm tra, nêu đề xuất, kiến nghị báo cáo UBND Thành phố.

Việc kiểm tra sẽ được thực hiện đột xuất trong thời gian từ ngày 21/10 đến 25/10/2024 tại các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố.

Hà Nội kiểm tra đột xuất công tác an toàn thực phẩm tại các trường học- Ảnh 1.

Hà Nội lập 2 đoàn kiểm tra Chương trình sức khỏe học đường và An toàn thực phẩm trong trường học. Ảnh minh họa.

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để bảo đảm an toàn thực phẩm, các địa phương cần tổ chức tập huấn cho người tiêu dùng cách lựa chọn thực phẩm, nguyên tắc trong chế biến thực phẩm an toàn, cách xử lý khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt các mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức giám sát, phát hiện trường hợp ngộ độc thực phẩm để xử lý, điều trị kịp thời; phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố trong điều tra, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm trên địa bàn (nếu có); tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, danh sách cơ sở cung cấp nguyên liệu thực phẩm... nhằm tạo nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng...

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Quảng Ninh: Phát hiện gần 800 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩmQuảng Ninh: Phát hiện gần 800 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Trúc Chi (t/h theo Vietnamnet, Hà Nội Mới)