Hà Nội tăng cường các giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học

Admin

UBND TP Hà Nội yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, triển khai thực hiện kế hoạch trở thành “Thành phố học tập của UNESCO”.


UBND Tp.Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở GD&ĐT Hà Nội và các đơn vị liên quan về việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Theo đó, UBND Tp.Hà Nội yêu cầu Sở GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu rà soát, tham mưu, đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND TP về cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo viên ở tất cả các cơ sở giáo dục, cả công lập và ngoài công lập.

Chủ trì, phối hợp với các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 đảm bảo chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, giảm áp lực, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.

Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục trẻ em, học sinh, nhất là phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong giáo dục trẻ em, học sinh, đảm bảo an ninh, an toàn trường học.

Tăng cường triển khai công tác chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố. Tham mưu Thành phố triển khai thực hiện kế hoạch đưa Hà Nội trở thành "Thành phố học tập UNESCO".

Hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, khuyết tật; điều chỉnh quy mô lớp học, thu gọn các điểm trường lẻ, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi nhất cho trẻ em, học sinh và người dân; phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương theo đúng quy định, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa cho năm học mới 2024-2025, theo Giáo dục và Thời Đại.

Thi vào lớp 10: Sợ bốc thăm vào môn tích hợp, giáo viên phân loại học sinh để ôn tậpThi vào lớp 10: Sợ bốc thăm vào môn tích hợp, giáo viên phân loại học sinh để ôn tậpĐỌC NGAY

Xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đồng thời, tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo. Tăng cường bảo đảm an toàn trường học; bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em, học sinh nội trú, bán trú.

Ngoài ra, UBND Tp.Hà Nội cũng yêu cầu Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Học sinh đầu cấp ở Hà Nội tăng mạnh

Tp. Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục đứng đầu cả nước. Thành phố hiện có 2.913 trường mầm non, tiểu học, THCS - THPT và 29 trung tâm giáo dục thường xuyên với khoảng 2,3 triệu học sinh, hơn 124.000 giáo viên. Tuy nhiên, ở bậc THPT hiện mới chỉ có 117 trường công lập, ít hơn các bậc THCS, tiểu học, mầm non. Điều này gây khó khăn, áp lực rất lớn đối với học sinh tốt nghiệp THCS thi tuyển vào lớp 10. Hằng năm, số học sinh tuyển vào lớp 10 THPT công lập mới chỉ đáp ứng được ở mức khoảng 60%.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, ở bậc THPT, các loại hình trường học đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh. Tuy nhiên, khối trường công lập khó khăn dồn về một số quận nội thành đông dân cư có số học sinh tăng nhanh. Nguyên nhân đã được các địa phương chỉ ra đó là tốc độ gia tăng dân số nhanh, không chỉ tăng tự nhiên mà còn tăng cơ học do nhập cư. Ngành đã có tham mưu, đề xuất thành phố dành nguồn lực để xây mới thêm trường THPT công lập đưa vào sử dụng.

Theo Sức khỏe & Đời sống, năm học tới sẽ có 2 trường THPT công lập đi vào hoạt động. Giai đoạn 2025-2030, Thủ đô sẽ có thêm 30-35 trường THPT công lập mới, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Đơn cử như tại quận Cầu Giấy sẽ xây mới thêm 3 trường THPT công lập. Các quận khác như Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Đông Anh… cũng sẽ xây thêm trường.

Thành phố cũng đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại, có diện tích 5ha trở lên. Khi các dự án đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu trường lớp ở một số quận, huyện đông dân cư.

Trúc Chi (t/h)