Ngày 24/10, UBND Tp.Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội.
Cùng ngày, UBND Tp.Hà Nội đã công bố các quyết định bổ nhiệm vị trí lãnh đạo của Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội.
Cụ thể, điều động, bổ nhiệm ông Cù Ngọc Trang (sinh năm 1984) - Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, đến nhận công tác tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội, giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm.
Điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Văn Bằng (sinh năm 1971) - Giám đốc Trung tâm Thông tin điện tử Thành phố, Văn phòng UBND Tp.Hà Nội, đến nhận công tác tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm.
Theo đó, Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội là cơ quan hành chính (ngang sở) thuộc UBND Tp.Hà Nội, có trụ sở điều hành chính tại số 197 phố Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Trung tâm có chức năng quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Là đầu mối tổ chức cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận, số hóa, phối hợp giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Tham mưu, tổ chức triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố.
Về cơ cấu tổ chức, Trung tâm có 4 phòng chuyên môn trực thuộc (Hành chính - Quản trị, Kiểm soát thủ tục hành chính, Kiểm tra - Giám sát, Tái cấu trúc và Tổ chức Bộ phận một cửa) và 30 chi nhánh là bộ phận 1 cửa của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.
Việc thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công thành phố Hà Nội được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, xây dựng mô hình mới trong giải quyết thủ tục hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí di duyển.
Bên cạnh đó, việc hình thành cơ chế "phi tiếp xúc trực tiếp" giữa người dân, doanh nghiệp với công chức, cơ quan có thẩm giải quyết thủ tục hành chính, góp phần từng bước làm giảm phiền hà, tiêu cực, tham nhũng vặt; đồng thời, gia tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình giữa các cơ quan.
Tăng cường khả năng, điều kiện tiếp cận dịch vụ; việc tổ chức hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các chi nhánh, các điểm tiếp nhận sẽ góp phần tăng tỷ lệ giải quyết trực tuyến, giúp người dân tiếp cận dịch vụ 24/7.
Đặc biệt, bảo đảm sự công bằng, đồng bộ, thống nhất trong trải nghiệm dịch vụ của người dân trên toàn địa bàn Thành phố, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các địa bàn khó khăn, qua đó giúp gia tăng sự hài lòng, niềm tin của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.