Theo đó, đến 25 triệu giáo viên, học sinh và sinh viên được tiếp cận Internet qua chương trình "Kết nối mạng giáo dục" (Internet trường học). Cuối tháng 9, chương trình vào top ba trong bảng xếp hạng "Change the World" (Thay đổi thế giới) của Tạp chí Fortune.
Xuyên suốt 16 năm triển khai, để mỗi trường học được trang bị và đảm bảo chất lượng Internet, các cán bộ nhân viên Viettel phải duy trì phối hợp với người của bộ, sở tại địa phương, nhà trường.
Quá trình gồm nhiều bước. Đầu tiên, nhóm khảo sát và đánh giá hiện trạng về cơ sở hạ tầng, khoảng cách địa lý, địa hình, thiết bị hiện có, từ đó tính toán, lập báo cáo về các yếu tố ảnh hưởng đến lắp đặt. Trên cơ sở đó, đơn vị xác định giải pháp công nghệ phù hợp.
Sau khi lắp đặt xong và cấu hình thiết bị, đội ngũ làm Internet trường học cần tiếp tục đào tạo và hướng dẫn giáo viên, nhân viên nhà trường cách sử dụng, cách kết nối mạng và khai thác tài nguyên trực tuyến. Bước cuối cùng là kiểm tra chất lượng kỹ thuật trước khi đưa vào hoạt động.
Sau khi kết thúc giai đoạn đưa Internet về từng trường, Viettel thực hiện duy trì chất lượng mạng ổn định, tốc độ cao đến hiện tại. Từ đầu năm nay, băng thông gói cước tăng lên gấp đôi, giúp tăng tốc độ truyền tải nhanh hơn. Với các cơ sở giáo dục mới, đơn vị tiếp tục tài trợ đường truyền.
Ông Đào Trọng Trình - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Viễn thông Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) - Tập đoàn Viettel kể lại những ngày đầu, khi đi công tác cùng các chuyên viên Cục tin học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị đã xem xét chất lượng Internet tại một trường cấp hai ở Mường Nhé, Điện Biên vào năm 2009. Khi đó, đoàn đều là những nhân viên, chuyên viên bình thường nhưng nhận được sự đón tiếp rất trang trọng. Thầy, cô và học sinh đứng đón đoàn từ ngoài sân.
"Qua ánh mắt mọi người, chúng tôi nhận thấy sự trân trọng, tình cảm thầy và trò dành cho mình", ông nói thêm.
Giữa thập niên 2000, Viettel mới đạt được những thành quả bước đầu trong lĩnh vực viễn thông, còn nhiều nhiệm vụ để mở rộng kinh doanh, lợi nhuận. Tuy nhiên, ban lãnh đạo đặt ra mục tiêu phổ cập Internet cho 100% số trường học ở Việt Nam để đem lại cơ hội học tập bình đẳng cho trẻ em.
"Các lãnh đạo Viettel điều hành rất sát, thậm chí, một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ khi ấy là tỷ lệ triển khai Internet trường học", anh Trình nói thêm.
Cũng tham gia Internet trường học từ những ngày đầu, anh Nguyễn Trung Hiệp - cán bộ Trung tâm giải pháp Giáo dục số của VTS cho biết, điều thôi thúc bản thân tâm huyết với dự án là khi biết tới cảnh các thầy, cô giáo ở nhiều điểm trường vùng cao phải vượt hàng chục km đường rừng tới nơi có Internet để gửi báo cáo về xuôi. Sự cách trở khiến những việc bình thường, dễ dàng nơi thành thị cũng trở thành hành trình vất vả với những người nhận trách nhiệm "gieo con chữ" cho trẻ em vùng cao.
Chương trình chính thức khởi động năm 2008 và tổng kết năm 2010. Tuy nhiên, quãng thời gian đội ngũ phủ Internet cho hầu hết toàn bộ trường học trên lãnh thổ Việt Nam chỉ trong khoảng hơn một năm.
"Lúc làm, chúng tôi chỉ biết nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ nhưng càng về sau này, chúng tôi lại càng thấy Internet trường học lại càng có giá trị to lớn đến thế nào, từ những hành động nhỏ nhất như giúp các giáo viên không cần lặn lội đường xa", anh Hiệp chia sẻ.
Trải qua hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục, thầy Lê Văn Lực - Hiệu trưởng trường THPT Việt Yên số 2 (Bắc Giang) có thể quan sát cách Internet đã thay đổi bộ mặt dạy và học. Theo ông, dự án giúp người dạy và học tiếp cận nguồn tham khảo lớn trên mạng, hỗ trợ tương tác, phối hợp giữa các cá nhân. Trước kia, giáo án cần soạn tay, đem đến trường để tổ trưởng bộ môn duyệt trực tiếp. Khi có Internet, công đoạn này rút ngắn nhờ giáo án điện tử, thao tác toàn bộ quy trình trên máy, tiết kiệm cả công sức và tài nguyên.
Với sự ra đời và bùng nổ của mạng 5G, Internet trường học có tiềm năng mang lại nhiều cơ hội học tập hơn cho những học sinh ở nông thôn, vùng sâu vùng xa. Khả năng kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp của 5G là nền tảng để tạo ra những thay đổi bước ngoặt lớn cho việc dạy vào học trực tuyến, từ đó, đẩy mạnh quyền bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Thiên Minh