Sáng ngày 18/7, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Bình Thuận (khóa XI) đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Các đại biểu đã nêu vấn đề về thực trạng hiện nay ở rất nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở, nhất là các trường ở vùng nông thôn, miền núi, thậm chí có trường ở xã đạt chuẩn nông thôn mới tình trạng học sinh ngồi "nhầm" lớp, tình trạng học sinh không đáp ứng được yêu cầu bậc học nhưng vì nhiều lý do vẫn được lên lớp, vẫn được đánh giá hoàn thành chương trình.
Điều này dẫn đến một số học sinh mất căn bản, không theo kịp chương trình học ở bậc cao hơn, là một trong những nguyên nhân của tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Cá biệt, nhiều trường hợp học sinh lớp 3, lớp 4 nhưng khả năng đọc, viết chỉ ở mức độ lớp 1. Vì vậy, các đại biểu đề nghị các đơn vị liên quan cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng này.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Toàn Thắng cho biết, qua phản ánh của đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, có hiện tượng học sinh ngồi nhầm lớp, nhất là các trường ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; có tình trạng học sinh lớp 3, lớp 4 nhưng khả năng đọc, viết chỉ ở mức độ lớp 1, nhưng đây chỉ là trường hợp cá biệt.
Qua các cuộc kiểm tra chuyên môn, gắn với việc khảo sát thực tế, vẫn còn học sinh đọc, viết còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cần của chương trình học, nhất là học sinh lớp 1 ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, học sinh khuyết tật học hòa nhập.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cho rằng, một phần nguyên nhân thuộc về Sở, do công tác kiểm tra, giám sát, khảo sát chất lượng giáo dục học sinh tại các cơ sở giáo dục chưa thường xuyên.
Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm viên chức quản lý trong cơ sở giáo dục còn thiếu so với quy định, đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, còn do tình trạng điều chuyển giáo viên chưa cân đối, hợp lý tại cơ sở giáo dục, dẫn đến thừa/thiếu giáo viên cục bộ.
Cùng với đó, một số viên chức quản lý chưa thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trong công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kiểm tra, khảo sát, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh.
Do biên chế giáo viên thiếu, chưa cân đối giữa các môn học, hoạt động giáo dục nên nhà trường bố trí giáo viên cấp trung học cơ sở xuống dạy một số môn học ở cấp tiểu học và đa số cơ sở giáo dục bố trí giáo viên cấp tiểu học dạy các môn học đặc thù (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất) vào dạy các tiết Toán, Tiếng Việt… để đảm bảo chương trình theo quy định.
Một số cơ sở giáo dục giao chỉ tiêu thi đua đối với giáo viên, trong đó có chỉ tiêu học sinh hoàn thành chương trình lớp học cuối năm.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, giải pháp hiện nay được đưa ra là tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên; trong đó chú trọng tổ chức hội thảo chuyên đề nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên về dạy học các môn học, hoạt động giáo dục đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Sở tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra chuyên môn theo thẩm quyền nhằm đánh giá đúng thực tế chất lượng giáo dục học sinh; xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, giáo viên nếu có sai phạm trong việc đánh giá, xếp loại, xét công nhận học sinh hoàn thành chương trình lớp học khi chưa đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo quy định.
Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động trong việc hợp đồng, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí, điều chuyển viên chức quản lý, giáo viên thuộc địa bàn quản lý đảm bảo phù hợp, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục tại địa phương.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đánh giá phiên chất vấn diễn ra nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, đúng trọng tâm với các vấn đề cần tháo gỡ. UBND tỉnh Bình Thuận cần chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.