Việc hệ thống giáo dục nghề nghiệp thống nhất và xóa bỏ ranh giới giữa cao đẳng và cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp dưới sự quảnlý của Bộ LĐTB&XH đến nay vẫn có nhiều sự băn khoăn. Câu hỏi có nên thống nhất một Bộ quản lý Nhà nước về giáo dục, từ mầm non, tiểu học, trung học, dạy nghề tới đại học và sau đại học, để không bị mất tính hệ thống và có những điểm nghẽn trong liên thông nhận được nhiều sự quan tâm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Vũ Hoài Phương - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế đánh giá cần có khảo sát và đánh giá tổng thể với những quy định đã đi vào ổn định thì không nên thay đổi, tuy nhiên, những điều chưa phù hợp thì nên thay đổi.
“Sự điều chỉnh cần có nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, phần lớn hiện nay các trường đại học, cao đẳng đều có xu hướng theo tinh thần tự chủ, chủ động lo những công việc của mình, về phần quản lý chỉ hỗ trợ được phần nào”, ông Vũ Hoài Phương chia sẻ.
Ngoài ra, chuyên gia phân tích thêm thay đổi phải phù hợp lợi ích chung và vì sự phát triển của kinh tế - xã hội. Ở đây, ví dụ như đối với ngành du lịch, mặc dù đào tạo phần lớn ở bậc cao đẳng nhưng điều này là phù hợp. “Du lịch là một ngành có tính ứng dụng cao, phải vừa đào tạo quản lý nhưng vừa cần trang bị nghiệp vụ. Nhu cầu ở bậc đại học của ngành này sẽ ít vì thiên hướng cần đào tạo nghề, chú trọng kỹ năng nghề nghiệp nhiều hơn”, ông Vũ Hoài Phương chia sẻ.
Cũng đồng quan điểm phải có cái nhìn tổng quan, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương cho rằng, nếu đưa các trường cao đẳng về lại đại học quản lý thì đồng nghĩa các trường sẽ giao lại Bộ GD&ĐT thay vì Bộ LĐTB&XH quản lý như hiện nay. Như vậy, chúng sẽ phải sửa đổi một loạt các luật, quy định liên quan đến vấn đề này. Trong khi đó, một số luật mới được ban hành chưa lâu như Luật Giáo dục đại học.
Ở đây bà Nga phân tích trước đây, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa ra đời, hệ thống giáo dục tồn tại song song 2 mô hình: trường cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề. Hai mô hình trên thuộc 2 đơn vị chủ quản riêng. Cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ GD&ĐT quản lý, cao đẳng nghề do Bộ LĐTB&XH quản lý.
Năm 2014, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, đưa 2 mô hình cao đẳng này quy về một mối do LĐTB&XH chịu trách nhiệm.
“Từ đó đến nay, việc đào tạo liên thông bộc lộ bất cập, do sự phối hợp trong đào tạo nghề nghiệp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH chưa tốt khiến công tác phân luồng còn khó khăn. Qua đó, có thể thấy, khó khăn không nằm ở việc Bộ nào quản lý, tồn tại ở sự phối hợp chung”, bà Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ.
Theo đại biểu, muốn tháo gỡ khó khăn trên thì 2 Bộ cần có sự trao đổi, thống nhất, phối hợp với nhau.
"Không nên quay lại mô hình cũ, bởi những khó khăn bất cập cũ đã tháo gỡ rồi, giờ lại quay lại, sẽ rất rối rắm, tắc nghẽn cho các đơn vị", bà Nga đánh giá.
Cùng với đó, sửa đổi luật là cả quá trình dài, trong khi đó từ khi Luật Giáo dục đại học ban hành đến nay, chưa bộc lộ những khó khăn đáng kể. Vì vậy, việc xem xét sửa đổi luật là chưa phù hợp, cần nhìn nhận khách quan, toàn diện để tháo gỡ phù hợp.
Đặc biệt, đại biểu đưa ra kiến nghị: "Cần nghiên cứu đưa Tổng cục giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT để đảm bảo hệ thống, liên thông các trường đại học, cao đẳng".
Năm 2021, Hiệp hội các trường đại học - cao đẳng Việt Nam từng gửi kiến nghị chuyển các trường cao đẳng về lại Bộ Giáo dục và Đào tạo như trước đây, sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp thành Luật Giáo dục nghề. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã bác đề xuất này vì cho rằng kiến nghị đưa đào tạo cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo là còn thiếu cả cơ sở khoa học và thực tiễn.
Trong công văn gửi Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng việc bộ này quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ phát huy những lợi thế của ngành. Đồng thời gắn giáo dục nghề nghiệp với lao động, việc làm, thị trường lao động, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp.
Bộ này nhấn mạnh việc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị đổi tên Luật Giáo dục nghề nghiệp thành Luật Giáo dục nghề, đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục đại học, đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo còn thiếu những cơ sở khoa học và thực tiễn.