Các thầy cô triển khai "sân khấu hóa" tác phẩm nghệ thuật, sáng tác thơ, rap trong việc giảng dạy nhằm giúp học sinh yêu thích các môn học xã hội hơn và dần trở thành phong trào học tập sáng tạo mang bản sắc trường.
Đại diện trường chia sẻ, trước xu thế phát triển của thời đại công nghệ số, đa phần giới trẻ đều yêu thích những loại hình nghệ thuật giải trí hiện đại, quên đi những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Do đó, đây là cách giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích sự sáng tạo và nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc.
Trong đó, tổ Ngữ văn đã tổ chức chương trình "Nét chèo FSchool" với mong muốn lan tỏa giá trị nghệ thuật chèo cổ truyền tới cộng đồng học sinh. Đây là hoạt động ngoại khóa vào cuối mỗi kỳ học. Qua đây, học sinh tổng kết kiến thức theo cách sáng tạo riêng. Thay vì thực hiện một dự án học tập hay tổ chức trong lớp, chương trình Nét chèo Fschool mở rộng quy mô và hình thức triển khai.
Sự kiện kết hợp song song cả trực tiếp và trực tuyến. Theo đó, học sinh có thể tham gia ở nhiều hình thức từ thiết kế poster, vẽ tranh, quay video đến làm podcast, sáng tác thơ, rap... Gần 40 nội dung được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau của nghệ thuật chèo cổ.
Tại chương trình, giáo viên và học sinh đã góp phần làm bật lên những giá trị của văn hóa cổ truyền, đồng thời, lan tỏa tình yêu và tinh thần gìn giữ nét đẹp của loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng Việt.
Trong khuôn khổ chương trình, các bạn đã cùng nhau tái hiện lại các tích chèo Quan âm thị kính, Xúy Vân giả dại bằng vở diễn mới Oan oán với hơi thở hiện đại, góc nhìn của người trẻ. Cách tiếp cận này tạo cơ hội cho học sinh hóa thân thành các nhân vật để trực tiếp trải nghiệm tình huống, tâm tư và thấu hiểu các tầng lớp ý nghĩa tác giả gửi gắm qua mỗi tác phẩm. Học sinh THPT FPT cũng thể hiện sự sáng tạo và tài năng khi kết hợp hai yếu tố truyền thống và hiện đại qua bản rap Thị Mầu.
Bên cạnh đó, "Nét chèo Fschool" có nội dung tranh biện trực tiếp về chủ đề của vở chèo "Những khao khát của con người có đáng để đánh đổi những khuôn phép, quy chuẩn của lễ giáo phong kiến hay không?". Câu hỏi được đặt ra tại chương trình, khuyến khích các bạn trẻ thể hiện tư duy, góc nhìn, quan điểm cá nhân.
"Việc học Văn thông qua hình thức sân khấu khóa, cuộc thi, sáng tác... giúp học sinh có được trải nghiệm thực tế hơn, tiếp nhận thông tin bằng cả thị giác và thính giác, từ đó, có cảm nhận đa chiều, rõ nét hơn về văn học nghệ thuật, văn hóa", đại diện trường khẳng định.
Học tập gắn với trải nghiệm thực tế cũng là cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả trong công tác đổi mới phương pháp dạy và học tại THPT FPT. Qua đó, học sinh có thể chủ động tìm hiểu kiến thức, thể hiện tài năng bản thân và phát huy những thế mạnh.
Thiên Minh