Học sinh 'không được ngẩng đầu' trong lớp học ở Trung Quốc

Admin

Nhiều trường trung học rèn sự tập trung cho học sinh bằng cách phạt nếu các em ngẩng đầu lên khi đang làm bài.

Theo Wang Yimei, một học sinh cấp hai ở tỉnh Hà Bắc, nếu bị phát hiện, học sinh phải chịu phạt đứng nhiều giờ.

Một số giáo viên còn kiểm tra độ tập trung của học trò bằng cách cố tình tạo ra tiếng động, chẳng hạn như tiếng gõ cửa. Học sinh nào bị bắt gặp nhìn lên sẽ bị phạt.

Học sinh trong một lớp học ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Học sinh trong một lớp học ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Biện pháp này phản ánh hiện tượng "Neijuan" đang dần phổ biến ở các trường trung học tại Trung Quốc. Từ này dùng để chỉ việc một người phải nỗ lực đến kiệt sức để cạnh tranh trong cuộc sống.

"Neijuan" lan rộng khi cuộc đua vào đại học và thị trường làm việc đang diễn ra khốc liệt tại Trung Quốc. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 đến 24 đạt mức cao kỷ lục - 21,3%, hồi tháng 6.

Giữa bối cảnh trên, các trường học phải nghĩ ra nhiều giải pháp, trong đó có quy định không ngẩng đầu khi học bài, để khiến học sinh phải học chăm chỉ hơn.

Nhiều người lo ngại về biện pháp này. Họ cho rằng chúng gây nguy hiểm vì đi ngược lại phản xạ tự nhiên của con người.

Tranh cãi từng nổ ra vào năm 2016, khi một trường trung học ở tỉnh Sơn Đông, miền bắc Trung Quốc, bị đốt phá. Những học sinh nghe thấy tiếng nổ không dám bỏ chạy vì sợ sẽ vi phạm quy tắc "không ngẩng đầu" của trường.

Nhưng nhiều trường học vẫn duy trì quan điểm học sinh phải vào đại học danh tiếng để tìm được một công việc tử tế. Các trường ép học sinh phải đạt thành tích thật cao trong học tập. Có nơi quản lý học sinh theo phong cách quân đội và loại bỏ mọi hoạt động ngoại khóa.

Ví dụ, một số trường buộc nữ sinh phải để tóc húi cua vì cho rằng tóc dài sẽ khiến các em mất tập trung vào việc học. Một số khác còn cử giáo viên theo dõi lớp học qua lỗ nhìn trộm để xem học sinh có ngủ, nghịch bút hay rung chân trong giờ học không.

Thực tế cho thấy các biện pháp này không giải quyết được tình trạng thiếu việc làm cho sinh viên tốt nghiệp hàng năm. Trong khi đó, mô hình giáo dục như trên để lại ảnh hưởng tiêu cực kéo dài cho học sinh.

Trên Zhihu, một diễn đàn hỏi đáp của Trung Quốc, một nữ sinh đã kể lại trải nghiệm của mình và được nhiều người hưởng ứng. Cô gái này từng học tại một trường trung học có nội quy rất nghiêm ngặt và đỗ một trường thuộc dự án 211 (dự án đầu tư xây dựng các đại học hàng đầu Trung Quốc).

Cô viết: "Bất cứ khi nào tôi nhận được kết quả học tập kém, tôi liền cảm thấy xấu hổ. Tôi còn sống với cảm giác tội lỗi dai dẳng nếu không thường xuyên học tập".

Tuy vậy, nữ sinh tin rằng mình có thể vượt qua điều này trong tương lai.

Khánh Linh (Theo SCMP, Latestly)