Với thiết bị này, Đặng Kỳ Anh và Nguyễn Minh Hoàng vừa giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng tỉnh Phú Yên năm 2024, giải ba hội thi Tin học trẻ toàn quốc.
Chiếc máy sử dụng công nghệ AI, thông qua cử chỉ tay, giọng nói, chuyển động mắt, người bệnh có thể điều khiển các thiết bị điện trong nhà; gửi tin nhắn đến các thiết bị thông minh để liên lạc với người thân. AI cũng theo dõi biểu hiện tâm trạng và tự động cung cấp các phương tiện giải trí; nhận diện giọng nói và ngôn ngữ tự nhiên để tăng cường khả năng tương tác giữa người bệnh và thiết bị...
Ngoài ra, từ thông tin thời gian và số lần thực hiện từng cử chỉ tay, hệ thống sẽ phân tích và thống kê thói quen của người bệnh. Từ đó, máy đưa ra cảnh báo sớm, giúp người thân nắm bắt và dễ dàng chăm sóc họ hơn.
Kỳ Anh cho hay ý tưởng nảy sinh khi em đỡ đần bố mẹ chăm sóc bà nội bị tai biến. Vì chỉ cử động được một tay, bà em gặp khó khăn trong hầu hết việc. Khi tìm hiểu, Kỳ Anh thấy các sản phẩm hỗ trợ người sau tai biến trên thị trường có giá cao do nhập từ nước ngoài, ít phù hợp thể trạng người Việt Nam.
"Điều này thôi thúc em nghĩ cách để hỗ trợ bà", nam sinh nói. Em sau đó rủ thêm Hoàng, một người bạn gần nhà, để thực hiện ý tưởng. Trong đó, Kỳ Anh phụ trách lập trình, còn Hoàng làm phần cứng.
Làm quen tin học từ năm lớp 3, Kỳ Anh tự mày mò học các ngôn ngữ lập trình như Scratch, Blockly, Python, C++, Java,... Nam sinh đã tham gia và đạt giải tại một số cuộc thi Tin học trong và ngoài tỉnh. Kỳ Anh cho rằng niềm đam mê với lĩnh vực này giúp em có nền tảng nhất định khi bắt tay vào chế tạo chiếc máy.
Ban đầu, đôi bạn gặp khó vì hạn chế về kiến thức, đặc biệt trong khâu thiết kế giao diện và chỉnh số liệu để AI có thể tiếp nhận những dữ liệu ảnh ban đầu. Cả hai cũng có nhiều ý tưởng trong quá trình làm, đòi hỏi phải thử nghiệm liên tục, chọn lọc những phương án tối ưu nhất.
"Nhiều lần tụi em nghĩ sẽ bỏ cuộc vì không thể thực hiện đúng những ý tưởng ban đầu, nhưng rồi tự động viên nhau, lên mạng vừa học và vừa làm", Kỳ Anh nói.
Để có kinh phí chế tạo, Kỳ Anh dùng tiền thưởng đã tích góp từ những cuộc thi, phần lớn để mua phần cứng. Ban đầu, hai em dự chi khoảng ba triệu đồng, nhưng trải qua nhiều lần nâng cấp, chi phí tăng lên 8 triệu.
"Chúng em cũng được gia đình, phòng giáo dục huyện hỗ trợ thêm nên việc chế tạo suôn sẻ", Anh nói. Sản phẩm được hoàn thiện sau gần ba tháng.
Theo Kỳ Anh, mỗi năm có hơn 200.000 người bị tai biến ở Việt Nam, còn ở thế giới khoảng 12,2 triệu ca đột quỵ não mới (16% ở người trẻ 15-49 tuổi). Em và Hoàng nhận thức được hậu quả của tai biến đối với bệnh nhân và người thân họ rất nặng nề nên mong muốn phát triển sản phẩm trong tương lai.
Kỳ Anh dự định tìm hiểu thêm kiến thức, kỹ thuật về Machine learning (học máy), AI, sóng điện não,... để thực hiện được những ý tưởng đã có. Còn Minh Hoàng muốn học hỏi thêm để làm website hướng dẫn người dùng. Cả hai muốn tìm cách thu gọn và giảm chi phí sản phẩm, để máy có thể dùng được ở những phòng nhỏ, dễ di chuyển và phù hợp với thị trường.
Thầy Nguyễn Việt Bắc, giáo viên trường THCS Phan Lưu Thanh, nhận xét hai học trò có kiến thức về tin học rất tốt, cùng tinh thần muốn giúp đỡ cộng đồng.
"Suốt quá trình làm các em đều tự nghiên cứu, tôi chỉ có những góp ý nhỏ với tư cách là người dùng. Đây là một thiết bị có tính thực tiễn cao, hy vọng tương lai các em sẽ phát triển để ứng dụng rộng rãi", thầy Bắc nói.
Bùi Toàn