Học theo người giàu nhất thế giới, CEO Xiaomi Lei Jun cũng đăng ảnh ngủ trên sàn nhà máy

Admin

Không chỉ là một hành động noi gương người giàu nhất thế giới hiện nay, bài đăng này của ông Lei Jun còn để kỷ niệm một cột mốc quan trọng đối với Xiaomi.

Không chỉ nổi tiếng vì là người giàu nhất thế giới hiện nay, ông Elon Musk còn thu hút sự chú ý vì những bài đăng trên mạng xã hội của mình. Và sức ảnh hưởng của ông cũng đang truyền cảm hứng cho nhiều người khác học tập theo.

Mới đây nhất, Lei Jun, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch và CEO của Xiaomi, vừa đăng tải một bài viết trên mạng xã hội với hình ảnh mình đang ngủ ngay trên sàn nhà máy, một hành động gợi nhớ đến những gì ông Musk từng làm trong những ngày đầu đầu của nhà máy Tesla.

Học theo người giàu nhất thế giới, CEO Xiaomi Lei Jun cũng đăng ảnh ngủ trên sàn nhà máy- Ảnh 1.

Bài đăng này cũng là để kỷ niệm chiếc xe điện thứ 100.000 của Xiaomi lăn bánh ra khỏi dây chuyền sản xuất. Đáng chú ý hơn, trên tài khoản Weibo cá nhân, ông Lei Jun cho biết Xiaomi chỉ mất 230 ngày để đạt được cột mốc này, khẳng định "tốc độ đáng kinh ngạc cho một tân binh trong ngành công nghiệp ô tô". Ông cũng chia sẻ rằng ông thức dậy với tin 100.000 chiếc SU7 đã được sản xuất và không thể chờ đợi để kỷ niệm chiếc xe thứ 100.000.

Bài viết của Lei Jun được coi là lời tri ân đến thói quen ngủ trên sàn nhà máy của Elon Musk khi Tesla bắt đầu tăng tốc sản xuất mẫu xe Model 3 vào năm 2018. Năm 2022, Musk từng chia sẻ rằng ông đã sống tại các nhà máy Tesla ở Fremont (California) và Nevada trong 3 năm liên tiếp.

Lúc đó, ông Musk cho biết lý do ông ngủ trên sàn không phải vì không thể sang đường để nghỉ tại khách sạn, mà bởi ông muốn hoàn cảnh của mình tệ hơn bất kỳ ai khác tại công ty. "Bất cứ khi nào họ cảm thấy đau đớn, tôi muốn nỗi đau của mình tồi tệ hơn," Musk nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2018.

Học theo người giàu nhất thế giới, CEO Xiaomi Lei Jun cũng đăng ảnh ngủ trên sàn nhà máy- Ảnh 2.

Bài đăng của ông Lei Jun, người từng được ví như "Steve Jobs của Trung Quốc", phản ánh sự tự tin của gã khổng lồ điện thoại vào việc phát triển mảng kinh doanh xe điện, khi SU7 đạt cột mốc sản xuất 100.000 chiếc nhanh hơn nhiều hãng xe điện Trung Quốc khác. Ví dụ, Li Auto mất 1,9 năm để đạt mốc 100.000 xe, trong khi Nio và Xpeng mất khoảng 2,8 năm.

Sự tăng trưởng nhanh chóng của mảng kinh doanh xe điện, sau khi bắt đầu giao hàng SU7 vào cuối tháng 3, đã giúp cổ phiếu của Xiaomi tại Hồng Kông tăng gần 90% kể từ đầu năm. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết doanh số xe điện đang tăng tốc, vượt mốc 20.000 chiếc trong tháng 10. Từ tháng 6 đến tháng 9, Xiaomi liên tục ghi nhận doanh số hàng tháng hơn 10.000 chiếc và kỳ vọng sẽ giao chiếc SU7 thứ 100.000 vào cuối tháng 11.

Học theo người giàu nhất thế giới, CEO Xiaomi Lei Jun cũng đăng ảnh ngủ trên sàn nhà máy- Ảnh 3.

Tuy nhiên, Xiaomi vẫn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt tại thị trường xe điện lớn nhất thế giới Trung Quốc, khi phải cạnh tranh với Tesla và các đối thủ nội địa mạnh như BYD. Trong tháng 10, BYD bán hơn 470.000 xe điện tại thị trường nội địa, Li Auto hơn 51.000 chiếc, Xpeng 23.000 chiếc và Tesla hơn 40.000 chiếc.

Mặc dù thành công với SU7, mảng kinh doanh xe điện của Xiaomi vẫn ghi nhận khoản lỗ điều chỉnh 252 triệu USD trong quý 2. Với 27.307 chiếc SU7 được giao trong quý này, Xiaomi lỗ khoảng 9.200 USD cho mỗi chiếc xe. SU7 có giá khởi điểm 215.900 nhân dân tệ, tương đương 30.000 USD, và chỉ bán tại Trung Quốc. Phát ngôn viên của Xiaomi cho biết công ty đang tìm cách giảm chi phí sản xuất bằng cách mở rộng quy mô.

Bất chấp những khó khăn, việc Lei Jun ngủ tại nhà máy xe điện không chỉ là động thái tri ân Elon Musk mà còn thể hiện quyết tâm của Xiaomi trong việc chinh phục thị trường này. Khi được hỏi, đại diện Xiaomi cho biết hình ảnh của Lei Jun là "khởi động cho thông báo về việc sản xuất chiếc SU7 thứ 100.000" và phù hợp với ý nghĩa "sẵn sàng lên đường" trong văn hóa phương Đông. Hãng điện thoại Trung Quốc đã sẵn sàng tham gia cuộc đua xe điện và vẫn đầy tham vọng bất chấp những thách thức phía trước.