Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu thảo luận về nhiều vấn đề nóng

Vũ Xuân Kiên

Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về xung đột Nga-Ukraine và sự hỗ trợ đối với Ukraine cũng như các vấn đề kinh tế, đối ngoại, an ninh và quốc phòng.

Ngày 29/6, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu hội nghị thượng đỉnh thường kỳ tại thủ đô Brussels. 

Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về những vấn đề nóng của khối như diễn biến gần đây trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và sự hỗ trợ liên tục của EU đối với Ukraine, bao gồm hỗ trợ tài chính và quân sự, cũng như các vấn đề kinh tế, an ninh và quốc phòng, di cư và quan hệ đối ngoại.  

ttxvn-charles-michel-1688111574.jpg
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về vấn đề kinh tế, các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét việc thực hiện các kết luận trước đó về chính sách công nghiệp của EU, thị trường chung và khả năng cạnh tranh và sản xuất dài hạn của châu Âu.

Tại cuộc họp vào tháng 3/2023, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về cách xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, sẵn sàng cho tương lai, đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài.

Trong bối cảnh này, các lãnh đạo kêu gọi thực hiện các biện pháp mạnh để hoàn thiện thị trường chung, đặc biệt là về kỹ thuật số và dịch vụ, đồng thời giải quyết các lỗ hổng lớn trong các cuộc khủng hoảng gần đây. 

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về tình hình kinh tế ở EU, đặc biệt liên quan đến các cách tăng cường an ninh kinh tế và khả năng phục hồi.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, EU quyết tâm đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của mình và tăng cường khả năng hành động tự chủ, đồng thời lưu ý rằng các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và hợp tác EU-Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là điều cần thiết đối với an ninh chung của châu Âu. 

Về vấn đề này, các nhà lãnh đạo EU sẽ đánh giá tiến độ đạt được trong việc thực hiện các kết luận trước đó, bao gồm cả Tuyên bố Versailles với các biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ của EU, cũng như một loạt các chiến lược khác.

Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ cung cấp thêm hướng dẫn về khả năng an ninh và quốc phòng của EU, đặc biệt liên quan đến mua sắm, đầu tư và sản xuất đạn dược. 

Trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới tại Vilnius vào ngày 11-12/7, các thành viên EU cũng sẽ thảo luận về hợp tác với NATO./.

Hương Giang