Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông)

Vũ Xuân Kiên

(tapchivietduc.vn) - Chiều ngày 01/6/2023 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc (CCPIT Sơn Đông) tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông)”.

Hội nghị được tổ chức nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc theo tinh thần kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tháng 11/2022.

z4396105198026-e448242668f2a5dbef9994d5bb574f4c-1685693591.jpg
Quang cảnh hội nghị

Hội nghị do ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại và ông Lâm Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị, về phía đại biểu Việt Nam có đại diện các Đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch thành phố Hà Nội. Về phía đại biểu Trung Quốc có Lãnh đạo các địa phương của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Về phía doanh nghiệp hai nước, có trên 200 Hiệp hội, Công ty, Tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của Việt Nam và Trung Quốc tham dự Hội nghị. 

z4396106027143-c979d67c984ae3fcc25ab94da84cb6a0-1685693592.jpg
Quang cảnh hội nghị

Thông qua Hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Sơn Đông có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm 2022, đón đầu tận dụng cơ hội Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 08/01/2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông đi phát triển ổn định, bền vững, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề xuất 2 kiến nghị như sau:

“Một là, hai Bên khuyến khích và tích cực tổ chức doanh nghiệp tham dự các hoạt động Hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín được tổ chức tại mỗi Bên như: Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam (VietNam Expo), Triển lãm Công nghiệp Thực phẩm Quốc tế Việt Nam (VietNam Foodexpo) được tổ chức tại Việt Nam và các hoạt động Hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín và quy mô được tổ chức tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối, giao thương.

z4396105540282-a53ee62f2b9f148807232e270fc389db-1685693591.jpg
ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị.

Hai là, đề nghị phía Sơn Đông tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch đặc biệt là các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, yến sào mà phía Trung Quốc vừa chính thức mở cửa cho các sản phẩm này trong năm 2022. Về phía Việt Nam, Cục Xúc tiến Thương mại sẵn sang phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn Đông và các địa phương của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông kết nối, giao thương và hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm phát huy tính bổ sung lẫn nhau trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai Bên, qua đó đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp của mỗi nước.”

Tại Hội nghị, đại diện Cục Xúc tiến thương mại và đại diện Ủy ban Xúc tiến Thương mại quốc tế tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) giới thiệu về các cơ hội hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi nhấn mạnh:

“Trung Quốc là đối tác rất quan trọng đối với Việt Nam, khi liên tục duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, bởi vậy Trung Quốc nói chung và các địa phương của Trung Quốc nói riêng luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong chính sách phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp của Chính phủ Việt Nam.”

z4396104521693-cc10edecd94a24ad1d539950bc6b3fbe-1685693591.jpg
Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị.

Ông Tô Ngọc Sơn cũng đề nghị các doanh nghiệp hai bên một số nội dung sau: 

“Cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của mỗi nước thông qua hệ thống các Thương vụ/Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc như tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Nam Ninh, Côn Minh, Trùng Khánh, Hàng Châu và tới đây là Hải Khẩu, Thành Đô.

Tích cực tham dự các Hội chợ triển lãm quốc tế được tổ chức tại mỗi nước như: Hội chợ quốc tế hàng tiêu dùng tại Hải Nam, Hội chợ Thực phẩm quốc tế Foodexpo, Hội chợ thương mại quốc tế Viet Nam Expo... để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh các hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.

Các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung, Sơn Đông nói riêng hỗ trợ các doanh nghiệp nông, thủy sản của Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, chuỗi cung ứng lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.”

z4396104712160-2fe0803fd463ab8e858757f0d046a502-1685693591.jpg
Ông Lâm Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiên thương mại (CCPIT) tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc phát biểu tại hội nghị.
z4396104353175-148fab0977652162234fe904a61ec2fc-1685693589.jpg
Ông Lý Chấn Dân, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
z4396104203792-b17c9a7dc8a4480de88fb1806a4e4765-1685693591.jpg
Ông Nguyễn Bá Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương giới thiệu về môi trường đầu tư Việt Nam.

Đại biểu tham dự Hội nghị đã chứng kiến Lễ ký kết 07 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông. Điểm nhấn của Hội nghị là chương trình giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông) với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực chính: nông sản - thực phẩm, thiết bị máy móc, lốp cao su - phụ tùng ô tô, xây dựng - vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác. Thông qua chương trình giao thương, các doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi trực tiếp về các vấn đề mình quan tâm, nhu cầu xuất - nhập khẩu từng mặt hàng cụ thể, qua đó góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông). 

z4396103548675-8163ae7261fe985a34d3066e97786ac0-1685693591.jpg
 
z4396103181328-af1f6122f3481c0ef5fb0b00d34e7032-1685693590.jpg
Lễ ký kết 07 Thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông

Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông) là dịp mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc (Sơn Đông) tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam, Trung Quốc ổn định, cân bằng, tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương./.

z4396102798954-6f53dab36e15c261392bfeb96af99238-1685693591.jpg
Khu vực kết nối B2B giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Sơn Đông.
Giới thiệu sơ lược về tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)
Sơn Đông là một tỉnh ven biển phía đông của Trung Quốc, phía tây bắc giáp tỉnh Hà Bắc, phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam, phía nam giáp tỉnh An Huy và Giang Tô. Sơn Đông là một tỉnh có vị trí vai trò quan trọng của Trung Quốc (GRDP xếp thứ 03, dân số xếp thứ 02 Trung Quốc (101,62 triệu dân năm 2022), đồng thời là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp (có 41 ngành công nghiệp lớn) và là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc. Sơn Đông cũng là khu vực sản xuất cây lương thực và cây trồng trọng điểm cùa Trung Quốc, được mệnh danh “kho ngũ cốc và dầu bông, quê hương của trái cây và thủy sản”. Sản lượng của lúa mì, ngô, dưa, đậu nành, ngũ cốc, lúa miến, bông, đậu phộng, thuốc lá, cây gai dầu đều rất lớn, chiếm một vị trí quan trọng của Trung Quốc. Năm 2022, GDP của Sơn Đông đạt 8743,51 tỷ Nhân dân tệ (NDT ~ 1264,96 tỷ USD), tăng 3,9% so với năm 2021. Trong đó, nông nghiệp đạt giá trị 629,9 tỷ NDT (~ 91,13 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 7,2%, tăng 4,3%; công nghiệp đạt 3501,4 tỷ NDT (~ 506,56 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 40,04%, tăng 4,2%; dịch vụ đạt 4612,2 tỷ NDT (~ 667,26 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 52,75%, tăng 3,6%. 
Hợp tác Thương mại Việt Nam - Sơn Đông
- Năm 2022, theo thống kê của phía Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Sơn Đông - Việt Nam đạt 93,25 tỷ NDT (~ 13,56 tỷ USD) (chiếm 2,79% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chiếm 14,14% kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN), tăng 35,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Sơn Đông sang Việt Nam đạt 10,26 tỷ USD (chiếm 3,46% xuất khẩu của Sơn Đông ra thế giới và 20,45% xuất khẩu tới ASEAN), nhập khẩu của Sơn Đông từ Việt Nam đạt 3,29 tỷ USD (chiếm 1,75% nhập khẩu của Sơn Đông từ thế giới và 7,22% nhập khẩu từ ASEAN).
+ Các mặt hàng xuất khẩu chính của Sơn Đông sang Việt Nam năm 2022 đều tăng trưởng dương trên 2 con số: máy móc cơ khí và thiết bị điện đạt 2,8 tỷ USD; kim loại cơ bản 1,38 tỷ USD; hóa chất công nghiệp và các ngành liên quan đạt 1,23 tỷ USD; sản phẩm dệt may đạt 1,19 tỷ USD; nhựa và cao su đạt 976,36 triệu USD; vật liệu đá và thủy tinh đạt 564,13 triệu USD,..
+ Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Việt Nam: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 955,64 triệu USD, tăng 31,93%; máy móc cơ khí và thiết bị điện 891,48 triệu USD, tăng 66,35%; nhựa và cao su 580,26 triệu USD, tăng 16,96%; rau củ đạt 275,76 triệu USD, tăng 86,58%; sản phẩm khoáng sản 190,11 triệu USD, giảm 22,52%; động vật và sản phẩm động vật 136,1 triệu USD, tăng 171,34%; sản phẩm dệt may 116,01 triệu USD, giảm 32,72%;…
- Trong 03 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất nhập khẩu Sơn Đông – Việt Nam đạt 2,67 tỷ USD, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Sơn Đông sang Việt Nam đạt 2 tỷ USD, tăng 7,9%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 672,65 triệu USD, giảm 13,35%.
+ Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Việt Nam: máy móc cơ khí và thiết bị điện 616,12 triệu USD, tăng 24,62%; hóa chất công nghiệp và các ngành liên quan 247,25 triệu USD, giảm 5,56%; kim loại cơ bản 237,35 triệu USD; sản phẩm dệt may 206,14 triệu USD, tăng 10,57%; nhựa và cao su đạt 181,40 triệu USD, giảm 8,99%; vật liệu đá và thủy tinh 138,63 triệu USD, tăng 73,22%;...
+ Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Việt Nam: gỗ và sản phẩm gỗ 218,35 triệu USD, tăng 43,16%; nhựa và cao su 161,55 triệu USD, giảm 16,71%; máy móc cơ khí và thiết bị điện 138,35 triệu USD, giảm 23,47%; rau củ 41,64 triệu USD, giảm 40,72%; sản phẩm dệt may 27,28 triệu USD, giảm 19,2%; động vật và sản phẩm động vật 19,15 triệu USD, giảm 18,65%; hóa chất công nghiệp 18,95 triệu USD, tăng 105,37%; sản phẩm khoáng sản 10,74 triệu USD, giảm 87,07%;…
(Nguồn: Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương)

Xuân Kiên