Hội tụ tiềm năng, bứt phá du lịch Bình Định - Bài 1: Tiềm năng du lịch biển thành kinh tế mũi nhọn

Admin

Chưa hết năm 2024, Bình Định đã vượt kế hoạch đề ra, phát triển đột phá về du lịch. Tỉnh này đang quyết tâm phát huy tối đa tiềm năng, kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại phát sinh để đưa du lịch phát triển bền vững, xanh…

Sớm xác định mục tiêu chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương, Bình Định đang gặt hái nhiều quả ngọt trên "cánh đồng du lịch" này.

Du lịch Bình Định phát triển

Dấu ấn của sự khác biệt

Còn nhớ năm 2019, GS. Simon Milne-Giám đốc Viện nghiên cứu phát triển du lịch NewZealand trong một chuyến công tác tại Tp. Quy Nhơn (Bình Định) đào tạo về phát triển sản phẩm du lịch, không khỏi bất ngờ trước "nụ cười thân thiện" từ trẻ nhỏ hay người lớn khi ông gặp ở công viên Quy Nhơn, Bình Định. Theo GS Simon Milne, dù đã đi nhiều nơi, nhưng sự thân thiện nay là hiếm có và là "tài sản quý" để địa phương phát triển du lịch"

Hội tụ tiềm năng, bứt phá du lịch Bình Định - Bài 1: Tiềm năng du lịch biển thành kinh tế mũi nhọn- Ảnh 1.

Một góc Tp. Quy Nhơn nhìn ra phía biển. Ảnh: Sơn Tùng

5 năm sau, thành phố này không chỉ minh chứng bởi sự thân thiện mà còn kiến tạo bức tranh du lịch đầy đa dạng, sinh động, hiệu quả, khi giải mã và phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh của mình.

Nằm giữa dải đất miền Trung, Bình Định không chỉ thuận lợi thông thương 2 miền Nam – Bắc mà còn kết nối lên các địa bàn Tây Nguyên, quốc tế bằng cả đường hàng không, đường biển.

Có bờ biển trải dài như nhiều tỉnh, nhưng khác với nhiều địa phương khác, Bình Định được thiên nhiên "biệt đãi" những nét đẹp riêng, để hình thành nên làng chài như Bãi Xếp (Ghềnh Ráng), Hòn Khô (Nhơn Hải), Kỳ Co – Eo Gió (Nhơn Lý), hay Trung Lương – Vĩnh Hội (Phù Cát), mũi Vi Rồng – Tân Phục (Phù Mỹ)...

Làng chài Nhơn Lý (Tp. Quy Nhơn), điểm đến hấp dẫn du khách khi về Bình Định. Ảnh: Phan Tín

Làng chài Nhơn Lý (Tp. Quy Nhơn), điểm đến hấp dẫn du khách khi về Bình Định. Ảnh: Sơn Tùng

Đâu chỉ có biển, Bình Định mang đầy trầm tích lịch sử, văn hóa với dấu ấn của 500 năm vương triều Champa. 

Theo ghi chép từ sách Hành trình văn hóa Champa của Inrajaka (Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc), giai đoạn từ thế kỷ XI đến XV, vương quốc Champa được hình thành dựa trên sự liên minh của hai thị tộc lớn: thị tộc Dừa - định cư trên vùng đất nay là các tỉnh từ Quảng Nam vào đến Bình Định và thị tộc Cau - định cư trên vùng đất nay là các tỉnh từ Phú Yên vào đến Đồng Nai.

Vào giai đoạn này, kinh đô của vương quốc có tên là Vijaya, tọa lạc ở vùng đất mà ngày nay thuộc về tỉnh Bình Định. Suốt 500 năm, vương quốc có lúc thăng lúc trầm, nhưng văn hóa Champa luôn rực rỡ với sự ảnh hưởng bởi hai nền văn hóa lớn đương thời - Ấn Độ và Khmer.

Dấu tích còn đến nay trên đất Bình Định chứng thực cho điều đó – vẻ đẹp một nền văn hóa Champa rực rỡ giúp Bình Định kiến tạo thành một tour du lịch độc đáo mang tên "Bình Định- Champa tour".

Tháp Bánh ít, công trình kiến trúc nghệ thuật Champa độc đáo trên đất Bình Định. Ảnh: HP

Tháp Bánh ít, công trình kiến trúc nghệ thuật Champa độc đáo trên đất Bình Định. Ảnh: HP

Bình Định còn được biết đến với quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ. Như ông Trần Vũ Nguyên (Bung Trần) – người sáng lập, Chủ tịch HĐQT AI Education, từng là cố vấn của Saigon Innovation Hub, chia sẻ trong một dịp trò chuyện với người trẻ khởi nghiệp tại Sở KH&CN tỉnh Bình Định đã nhấn mạnh, chỉ có Bình Định mới có hào khí Quang Trung, có đất võ trời văn mà không nơi nào có được. 

Đây chính là lợi thế cạnh tranh khác biệt của Bình Định trong phát triển du lịch.

Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Thu Dịu

Bình Định còn được xem là cái nôi của chữ Quốc ngữ. Hội Sử học Việt Nam đã công nhận đô thị Nước Mặn (Bình Định) là nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ. Nhà in Làng Sông (nay thuộc Tiểu chủng viện Làng Sông, Tuy Phước) là một trong ba nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam.

Thống kê Sở Du lịch Bình Định, tỉnh hiện có 234 di tích lịch sử - văn hóa, nhiều lễ hội đặc sắc, đây là tài nguyên lớn cho du lịch khai thác. Và trong số ấy, không ít những địa danh, văn hóa, lịch sử chỉ riêng Bình Định mới có được.

Làm mới du lịch

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Trần Thị Thu Thủy-Trưởng phòng Quản lý Du lịch (Sở Du lịch Bình Định) cho biết, phát huy tiềm năng thế mạnh, đặc biệt là biển, Bình Định nỗ lực để luôn tự làm mới mình. Chỉ riêng trong năm 2024, tỉnh xây dựng trên 10 nhiều sản phẩm du lịch mới.

Tiểu chủng viện Làng Sông (Tuy Phước), một trong ba nơi đặt nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Thu Dịu

Tiểu chủng viện Làng Sông (Tuy Phước), một trong ba nơi đặt nhà in chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Thu Dịu

Chẳng hạn, Tp. Quy Nhơn thêm các điểm đến, tăng trải nghiệm với "City tour" bằng xe ô tô điện, xe đạp...; các tour ngắm thành phố về đêm kết hợp đưa du khách trải nghiệm các loại hình nghệ thuật dân gian như hô bài chòi, hát bội.

Đặc biệt, Sở cùng với UBND Tp. Quy Nhơn xây dựng 2 tour du lịch mới trên đầm Thị Nại theo xu hướng du lịch "staycation"- khám phá nơi mình đang sống.

Tour sẽ được thiết kế: Đầm Thị Nại – Tháp Thầy Bói – Làng chài Hải Minh – Tượng đài Trần Hưng Đạo; Ngắm hoàng hôn trên Vịnh Quy Nhơn – Tượng đài Trần Hưng Đạo – Làng chài Hải Minh.

Các tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp bắt đầu hình thành như tour tham quan làng rau Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn); tour du lịch cộng đồng ở các làng chài ven biển; tour du lịch sinh thái ở các huyện miền núi; tour du lịch khoa học...

Theo Sở Du lịch Bình Định, những năm gần đây, 3 sản phẩm du lịch là du lịch sự kiện (MICE), du lịch sức khỏe, du lịch staycation đang nở rộ.

Sở Du lịch phối hợp với Tp.Quy Nhơn xây dựng 2 tour du lịch trên đầm Thị Nại trong năm 2025 theo xu hướng du lịch Staycation - khám phá nơi mình đang sống. Ảnh: Sơn Tùng

Sở Du lịch phối hợp với Tp.Quy Nhơn xây dựng 2 tour du lịch trên đầm Thị Nại trong năm 2025 theo xu hướng du lịch Staycation - khám phá nơi mình đang sống. Ảnh: Sơn Tùng

Cùng với làm mới các sản phẩm du lịch, Sở Du lịch tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ đi kèm như cơ sở lưu trú; dịch vụ vận chuyển; ẩm thực... 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 440 cơ sở lưu trú với tổng số phòng 14.003 phòng, tăng 2,3% (10 cơ sở, 384 phòng) so với năm 2023 (430 cơ sở, 13.619 phòng). Trong đó, đã có 1 khách sạn 5 sao, 12 khách sạn 4 sao, 15 khách sạn 3 sao…

Bên cạnh đó có gần 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện trong quá trình hoạt động. Chỉ riêng như "đặc sản chả ram tôm đất" của Bình Định phát triển cùng hoạt động du lịch.

Đưa Bình Định thành "thủ phủ du lịch ngàn tỷ"

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Văn Thanh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, phát huy tiềm năng thế mạnh của mình, ngành du lịch đang nỗ lực để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo các định hướng chiến lược của tỉnh, là điểm đến ấn tượng của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chỉ riêng năm 2024 Sở Du lịch đã chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy du lịch tỉnh nhà và các địa phương phát triển.

Đu thuyền máy trên đầm Thị Nại, một sự kiện thể thao quốc tế góp phần quảng bá du lịch Quy Nhơn - Bình Định trong và ngoài nước. Ảnh: Sơn Tùng

Đua thuyền máy trên đầm Thị Nại, một sự kiện thể thao quốc tế góp phần quảng bá du lịch Quy Nhơn - Bình Định trong và ngoài nước. Ảnh: Sơn Tùng

Nổi bật là tỉnh ta đã tổ chức thành công Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Amazing Bình Định Fest 2024 với điểm nhấn là giải đua thuyền máy nhà nghề quốc tế, Giải Teqball thế giới 2024 là những sản phẩm du lịch - thể thao mới của Bình Định và của Việt Nam; Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Bình Định; Đêm nhạc quốc tế với những ngôi sao nổi tiếng thế giới; Khai mạc du lịch hè chủ đề "Quy Nhơn - thiên đường biển, tỏa sáng và phát triển" và bắn pháo hoa tầm cao;

Giải chạy VnExpress Marathon Quy Nhơn 2024; Lễ hội tinh hoa đất biển Bình Định năm 2024; Chương trình Xúc tiến quảng bá du lịch thông qua Chương trình "Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt", chương trình Đại nhạc hội "Đôi cánh diệu kỳ", các hoạt động trình diễn Võ thuật, Tham quan trải nghiệm du lịch Bình Định...

"Bằng những nỗ lực không ngừng của các ngành, các cấp tỉnh Bình Định, các địa phương... Bình Định từ một địa phương ít người biết, chỉ là điểm dừng chân, nay trở thành một điểm đến, được nhiều báo, tạp chí, khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá cao", ông Thanh nhìn nhận.

Theo ông Thanh, giai đoạn 2016-2020, doanh thu du lịch của tỉnh đã tăng vượt bậc 55%/năm; gấp đôi mức 29%/năm của giai đoạn 2010 – 2015. 

Lượng khách tới tỉnh tăng mạnh từ 0,97 triệu lượt năm 2010 lên 4,8 triệu lượt khách năm 2019. Tỉnh đặt mục tiêu, đến năm 2025, Bình Định trở thành "thủ phủ du lịch nghìn tỷ đồng", dự kiến đón trên 8 triệu lượt khách, doanh thu trên 13.000 tỷ đồng.

Mục tiêu không còn xa vời, bởi ngay trong 9 tháng năm 2024, ngành du lịch đón trên 8 triệu lượt khách, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 147% so với kế hoạch năm 2024; doanh thu đạt 22.794,6 tỷ đồng, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023. 

Con số "biết nói" này đã chứng minh cho sự phát triển không ngừng của ngành du lịch tỉnh Bình Định.

"Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh được nhận các giải thưởng cao trong lĩnh vực du lịch; đặc biệt Tp. Quy Nhơn lần thứ hai nhận được giải thưởng cao quý "Thành phố du lịch sạch ASEAN" năm 2024", ông Trần Văn Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định.

Sơn Tùng - Thu Dịu

Bình Định:Ngày hội du lịch thị xã Hoài Nhơn với nhiều điểm nhấn đặc sắcBình Định:Ngày hội du lịch thị xã Hoài Nhơn với nhiều điểm nhấn đặc sắc

Ngày hội du lịch thị xã Hoài Nhơn “La Vuông – Cao nguyên xanh vẫy gọi” có nhiều chương trình, sự kiện độc đáo thu hút du khách, trong đó có giải chạy vượt địa hình khám phá cao nguyên La Vuông.