Khi dân số Đông Nam Á ngày càng tăng và tạo ra ngày càng nhiều rác thải, việc chuyển lượng rác thải này thành năng lượng đang được đẩy mạnh, tờ Nikkei Asia đánh giá.
Nhu cầu xử lý rác thải gia tăng tại Đông Nam Á
Hiện tại, một nhà máy đốt rác thải ở quận Tuas, phía tây nam Singapore có thể xử lý khoảng 35% lượng rác mà đảo quốc này thải ra hàng ngày. Khoảng 500 đến 600 xe chở rác đưa rác suốt ngày đêm đến nhà máy - nơi có công suất sản xuất điện đạt 120 megawatt.
Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries vào năm 2022 thông báo rằng họ đã mua toàn bộ cổ phần của TuasOne, đơn vị vận hành nhà máy đốt rác thải và chuyển thành thành năng lượng. Trước đó, TuasOne là liên doanh giữa Hyflux, một công ty xử lý nước lớn của Singapore và Mitsubishi Heavy. Và sau khi Mitsubishi Heavy tiến hành mua lại, TuasOne trở thành một công ty con hoàn toàn thuộc sở hữu của họ.
Cho tới nay, Mitsubishi Heavy đã thiết kế và xây dựng bốn nhà máy biến chất thải thành năng lượng ở Singapore. Tập đoàn cũng khẳng định họ có thành tích tốt nhất trong ngành này ở Đông Nam Á.
"Ở Đông Nam Á, cơ sở hạ tầng thu gom rác thải đã được cải thiện trong những năm gần đây và dân số ngày càng tăng, vì vậy nhu cầu xử lý rác thải cũng tăng theo," một nguồn tin tại Mitsubishi Heavy Industries Environmental & Chemical Engineering cho biết.
Tại Singapore, một công ty trực thuộc tập đoàn Keppel gần đây cũng đã nhận được đơn đặt hàng thiết kế và xây dựng các nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng ở nước này.
Hiện tại, hầu hết rác thải ở Đông Nam Á được xử lý thông qua các bãi rác lộ thiên. Nhưng ô nhiễm nước ngầm đã trở thành một vấn đề trong những năm gần đây khi dân số tăng dẫn đến nhiều chất thải hơn.
Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, 60% rác thải trên thế giới được chôn lấp và xử lý lộ thiên trong khi hơn 20% rác thải được xử lý bằng cách đốt và tái chế. Ở châu Âu và Nhật Bản, việc đốt rác phổ biến trong khi ở Mỹ chôn lấp phổ biến hơn.
Trong khi quá trình đốt rác thải ra Co2, thì việc chôn lấp rác tạo ra khí mê-tan, nguy hại gấp 25 lần so với khí nhà kính. Theo công ty Mitsubishi Heavy Industries Environmental & Chemical Engineering, việc gia tăng đốt rác sẽ làm giảm lượng chất thải chôn lấp và ảnh hưởng đến môi trường.
Tận dụng tốt rác thải mang lại nhiều lợi ích
Thay vào đó, các nhà máy biến chất thải thành năng lượng có thể tạo ra điện bằng cách sử dụng nhiệt sinh ra trong quá trình đốt. Nhờ đó, các nước Đông Nam Á đang ngày càng quan tâm đến giải pháp này.
Công ty nghiên cứu Mordor Intelligence của Ấn Độ dự kiến thị trường chuyển chất thải thành năng lượng ở Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 3,3 tỷ USD vào năm 2023 lên 6,1 tỷ USD vào năm 2028 – mức tăng tới 80% giá trị thị trường hiện tại.
Cũng theo Mordor, trong giai đoạn 2020-2021, Malaysia đã bắt tay vào triển khai kế hoạch thành lập ít nhất sáu nhà máy như vậy. Các dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025. Tại Thái Lan, việc xây dựng một nhà máy đốt khoảng 144.000 tấn chất thải mỗi năm và tạo ra 6 megawatt điện đã được bắt đầu từ năm 2020.
Trong khi các công ty nước ngoài đang đón nhận làn sóng này ở Đông Nam Á, thì các công ty Nhật Bản cũng nhận được sự tin tưởng ngày càng nhiều do chuyên môn và kinh nghiệm của họ. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, nước này hiện có khoảng 1.000 cơ sở xử lý rác thải - nhiều nhất trên thế giới. Khoảng 40% cơ sở này cũng được trang bị thiết bị chuyển đổi thành điện.
Mitsubishi Heavy đã phát triển được công nghệ để tách rác có thể phân hủy sinh học ra khỏi nhựa và các loại rác thải khác một cách hiệu quả. Mitsubishi Heavy cũng có kế hoạch bán và chuyển giao công nghệ này vào năm tài chính 2023, bắt đầu ở Nhật Bản trước khi chuyển sang Đông Nam Á và các nơi khác.
Ngoài ra, Mitsubishi Heavy cũng đang mong muốn kết hợp các thiết bị biến chất thải thành năng lượng với công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon. Khí thải CO2 thu hồi được có thể được sử dụng trong sản xuất hóa chất.
Máy móc của Mitsubishi Heavy hiện tại đang được triển khai để lưu trữ 70% tổng lượng CO2 được thu hồi trên toàn thế giới. Mitsubishi Heavy cũng đã cung cấp thiết bị thu hồi carbon ở Malaysia, Việt Nam và hiện đang sẵn sàng mở rộng sang thị trường xử lý rác ở Đông Nam Á.
Một công ty Nhật Bản khác là IHI cũng đã tiến hành thử nghiệm thực địa ở Malaysia liên quan đến xử lý chất thải dầu cọ tại một nhà máy đốt than. Hitachi Zosen cũng đã giành được hợp đồng xây dựng các nhà máy biến rác thải thành năng lượng ở Thái Lan và Việt Nam.