Israel cấm cơ quan của Liên Hợp Quốc hỗ trợ cho người Palestine

Admin

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, Israel vừa thông qua hai luật cấm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động trên lãnh thổ nước này.

Lệnh cấm sẽ dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở của UNRWA tại vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng - Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem và Dải Gaza, về cơ bản làm tê liệt khả năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan này.

Israel cấm cơ quan của Liên Hợp Quốc hỗ trợ cho người Palestine- Ảnh 1.

Trụ sở UNRWA tại Gaza. Ảnh: Reuters

Luật mới quy định Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) sẽ không được phép cử đại diện, cung cấp các dịch vụ hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, trên lãnh thổ Israel. Israel cáo buộc nhiều thành viên của UNRWA hoạt động cho Hamas hoặc các nhóm vũ trang phi nhà nước khác và có liên quan tới vụ tấn công thảm khốc mà Hamas đã thực hiện vào ngày 7/10/2023.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, bất kì nhân viên nào của UNRWA từng tham gia vào các hoạt động khủng bố chống lại Israel đều phải chịu trách nhiệm.

Đề cập lí do thông qua luật cấm mới đối với UNRWA, nhà lập pháp Israel Sharen Haskel vừa nhấn mạnh: "UNRWA là một tổ chức đã bị chủ nghĩa khủng bố thao túng hoàn toàn. Những gì chúng ta thấy ở Gaza là cách Hamas sử dụng các cơ sở của Liên Hợp Quốc, trường học, bệnh viện … để làm căn cứ quân sự, để cất giấu đạn dược, cất giấu tên lửa. Chúng thực sự tiến hành các hoạt động khủng bố từ các cơ sở của Liên Hợp Quốc".

Trong một động thái phản ứng, chính quyền Palestine ngay lập tức lên án lệnh cấm của Israel và khẳng định sẽ không cho phép động thái như vậy. Người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, cũng đã lên tiếng chỉ trích cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Israel đặt ra một tiền lệ nguy hiểm. Theo ông Lazzarini, luật mới của Israel đã đi ngược lại tinh thần của Hiến chương Liên Hợp Quốc và vi phạm các nghĩa vụ của Nhà nước Israel theo luật pháp quốc tế, làm sâu sắc thêm nỗi thống khổ của người dân Palestine, đặc biệt là ở Gaza.

Mỹ và phương Tây cũng lập tức bày tỏ lo ngại hai luật mới của Israel sẽ làm  trầm trọng thêm tình hình nhân đạo ở Gaza vốn đã rất thảm khốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nhấn mạnh: "Chúng tôi đã nêu rất rõ với chính phủ Israel rằng chúng tôi lấy làm quan ngại về luật mới của họ, Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên Hợp Quốc dành cho người tị nạn Palestine  đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người dân cần được hỗ trợ ở Gaza. Đó không phải là vai trò duy nhất của họ. Họ còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ cho người Palestine ở Bờ Tây và trên khắp khu vực. Và đặc biệt họ thực sự đóng vai trò không thể thay thế ngay lúc này ở Gaza, nơi họ đang ở tuyến đầu cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người cần được hỗ trợ. Không ai có thể thay thế họ ngay lúc này, giữa lúc khủng hoảng".

Thủ tướng Anh Keir Starmer cho rằng, lệnh cấm mới sẽ khiến công việc thiết yếu của UNRWA cho người dân Palestine trở nên bất khả thi, gây nguy hiểm tới toàn bộ hoạt động nhân đạo quốc tế tại Gaza cũng như việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục thiết yếu ở Bờ Tây. Chính phủ Đức cũng chỉ trích gay gắt luật này. Trong khi, chính phủ Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha và Slovenia, những nước công nhận nhà nước Palestine, đã ra tuyên bố chung lên án động thái của Israel.

UNRWA được Liên Hợp Quốc thành lập năm 1949 nhằm hỗ trợ các dịch vụ như y tế, giáo dục và viện trợ nhân đạo cho hàng triệu người ở những khu vực thuộc Trung Đông, bao gồm Dải Gaza, Bờ Tây, Jordan, Lebanon, Syria. Song mối quan hệ giữa Israel và UNRWA luôn căng thẳng và xấu đi đáng kể kể từ khi cuộc chiến ở Dải Gaza bùng phát và Israel từng kêu gọi giải tán cơ quan này.