Sau khi thiết lập vương triều Hậu Lê, nhà Lê cho xây dựng Thái miếu ở Đông Kinh (tức Thăng Long).
Tháng 3 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long cho dời dựng miếu nhà Lê về xã Bố Vệ, duy trì việc thờ cúng các vua triều Lê.
Thái miếu nhà Hậu Lê tọa lạc ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa được công nhận Di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia vào năm 1995. Di tích được quan tâm đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục hồi các hạng mục công trình, quy mô kiến trúc, khai thác, phát huy giá trị di sản.
Tuy vậy, tại thời điểm hiện tại, việc bài trí, sắp xếp đồ thờ, nội thất trong tiền điện, hậu điện chưa phù hợp với chức năng của Thái miếu và còn nhiều tranh luận.
Các tham luận, thảo luận tại hội thảo tiếp tục thông tin về các nguồn tư liệu liên quan đến di tích Thái miếu nhà Hậu Lê, tập trung trao đổi, bàn về bài trí, sắp xếp đồ thờ, nội thất trong di tích. Các ý kiến thống nhất, Hậu điện Thái miếu chỉ thờ các vị vua, hoàng hậu triều Hậu Lê, không chấp nhận việc đưa các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác vào di tích.
Các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, kiến trúc, cơ quan quản lý nhà nước tập trung thảo luận phương án khắc phục các hiện vật, đồ thờ mới đưa vào di tích, bài trí chưa đúng với công năng thờ tự, chưa phù hợp kích cỡ kiểu dáng.
Hội thảo thống nhất phương án cùng lộ trình khắc phục những khiếm khuyết trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bổ sung thêm nhiều luận cứ khoa học, cơ sở thực hiện việc bài trí, sắp xếp đồ thờ, nội thất và thờ tự trong di tích quốc gia Thái miếu Nhà Hậu Lê bảo đảm đúng điển lễ, phù hợp với quy mô, tính chất nơi tưởng nhớ các Hoàng đế triều Hậu Lê ở di tích quốc gia Thái miếu nhà Hậu Lê ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.