Biểu diễn múa nghê trong khuôn viên đình Kim Ngân. (Ảnh KHIẾU MINH) |
Sự phát triển lâu nay của Hà Nội luôn đan cài các yếu tố quá khứ và hiện tại. Và bây giờ, những nguồn lực mới để phát triển Thủ đô lại được tìm trong chính bề dày quá khứ ấy.
Hà Nội không phải là địa phương cấp tỉnh đầu tiên giành được chính quyền, cũng không phải là nơi đánh dấu sự sụp đổ của chế độ cũ. Nhưng thời điểm cờ đỏ sao vàng tung bay ở Phủ Khâm sai ngày 19/8/1945 tại Hà Nội lại là dấu mốc son đánh dấu thành công của Cách mạng Tháng Tám. Ðiều ấy cho thấy vị thế, vai trò của Thủ đô. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, Hà Nội đang huy động tổng hòa các nguồn lực để phát triển bứt phá, đáp ứng mong mỏi của cả nước.
Kiến tạo tương lai từ nguồn lực văn hóa
Chiều tối thứ sáu hằng tuần, khi nhiều người hoàn tất công việc về sum họp gia đình, những cán bộ Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội bắt đầu “kíp trực” của mình. Ðây chính là thời điểm mà các không gian đi bộ ở quận Hoàn Kiếm bắt đầu hoạt động. Chỉ riêng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ có đến cả chục sân khấu khác nhau.
Hồ Hoàn Kiếm có sân khấu biểu diễn xẩm và âm nhạc truyền thống tại khu vực tượng đài Vua Lê, Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn trước cửa Rạp Công Nhân, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội biểu diễn tại khu vực Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh; Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn ở sân khấu phía trước đền Bà Kiệu...
Trong phố cổ, Nhà hát Tuồng Việt Nam giới thiệu các trích đoạn tuồng trước cửa đền Hương Tượng (64 phố Mã Mây), chưa kể có biểu diễn hát văn tại đền Bạch Mã (76 phố Hàng Buồm), biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại đình Kim Ngân (42-44 phố Hàng Bạc)... Những không gian đi bộ tại phố cổ, hồ Hoàn Kiếm là động lực chính để quận Hoàn Kiếm nói riêng, Hà Nội nói chung “tăng tốc” hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại trong những năm gần đây.
Nhưng bây giờ, hoạt động ấy được nhìn nhận dưới một “hệ quy chiếu” mới và được tiếp cận theo hướng mới. Ðó là khai thác nguồn lực văn hóa, gồm những di tích, kiến trúc truyền thống, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực... để phát triển công nghiệp văn hóa.
Hà Nội là Thủ đô di sản với gần 6.000 di tích, 1.350 làng nghề, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ. Hà Nội cũng là trung tâm của nghệ thuật biểu diễn, của các ngành thời trang, nhiếp ảnh, hội họa... Từ lâu, thành phố đã quan tâm đến phát triển văn hóa. Tuy nhiên, từ “tài nguyên” văn hóa biến thành nguồn lực phát triển, còn chưa tương xứng.
Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo ấy, đầu năm 2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Từ quan điểm chỉ đạo này, hàng loạt giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa đã được triển khai. Những tua du lịch văn hóa tại Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, làng cổ Bát Tràng... được khai thác có chiều sâu, tăng cường trải nghiệm.
Thành phố cũng triển khai các biện pháp thúc đẩy không gian sáng tạo, tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội, khuyến khích đầu tư vào công nghiệp văn hóa, từng bước hình thành hệ sinh thái cho công nghiệp văn hóa. Thành phố phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực khác. Doanh thu từ công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố.
Văn hóa trở thành một nguồn lực phát triển của Hà Nội. Trong ảnh: Lễ hội nghề kim hoàn tại phố cổ. |
Và một Hà Nội năng động, hiện đại
Hà Nội “cùng cả nước, vì cả nước” là điều từ lâu đã được nói đến. Những ngày này, câu chuyện được nhắc nhiều nhất tại Hà Nội là triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Dự án có quy mô 112,8km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, đi qua ba tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Quốc hội giao chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, đưa vào khai thác từ năm 2027. Trong đó có 58,2km qua 7 quận, huyện thuộc Hà Nội là Hà Ðông, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Ðức, Ðan Phượng, Thanh Oai và Thường Tín.
Thành phố Hà Nội đã nhanh chóng triển khai dự án đường vành đai 4 với tinh thần quyết liệt, phân công nhiệm vụ, giao tiến độ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị. Hiện nay, việc công bố chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã và đang được tiến hành tại các địa phương. Huyện Thường Tín có 9km đường vành đai 4 đi qua, các cơ quan chức năng phải thu hồi hơn 118ha đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 2.001 trường hợp.
Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Minh, huyện đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn; yêu cầu đảng ủy các xã có liên quan tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ một cách nhanh nhất, bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Tại huyện Mê Linh, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đang gấp rút triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhân dân.
Nếu như ở nhiệm kỳ công tác trước, dự án đường vành đai 3 trên cao, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân... đại diện cho bộ mặt hiện đại của Thủ đô thì trong tương lai gần, tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô giúp định hình lại cấu trúc đô thị, tạo động lực mới cho đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh như Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn. Tuyến đường sẽ hình thành không gian phát triển mới và khai thác hiệu quả khoảng 6.500ha quỹ đất phía tây đường vành đai 4.
Xác định nguồn lực nội sinh là cốt lõi, song song vận dụng linh hoạt các nguồn lực khác vào phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội luôn chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước. Thành phố Hà Nội đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp tục là điểm đến an toàn, ổn định, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lãnh đạo thành phố từ đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho tới Giám đốc các sở, ban, ngành trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, trao đổi với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn để thể hiện tâm ý mong muốn hợp tác đôi bên. Mới đây, trong cuộc làm việc giữa Hà Nội với Tập đoàn AEON (Nhật Bản), Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Mall Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki cho biết, tin tưởng vào chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam cũng như thành phố Hà Nội, tập đoàn đã nhất trí chủ trương triển khai đầu tư thêm từ ba đến bốn dự án tại Hà Nội.
Trong quý III/2022, dự kiến sẽ khởi công dự án AEON Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) với quy mô 6,1ha, vốn đầu tư dự kiến là 280,7 triệu USD, lớn nhất trong số các dự án mà tập đoàn triển khai tại Việt Nam.
Bằng nhiều biện pháp nhằm thu hút các nguồn vốn, nửa đầu năm 2022, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt 180.600 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 7,6%; vốn ngoài Nhà nước đạt 109.100 tỷ đồng, tăng 9,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 12.600 tỷ đồng, tăng 9,2%.
Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ðây là nghị quyết có tầm nhìn dài hạn; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và nguồn lực quốc tế.
Bộ Chính trị đã chỉ ra những giải pháp cần thiết để khơi thông những điểm nghẽn, yêu cầu sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng khẳng định: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðây là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, Thủ đô Hà Nội quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển của nhân dân để thực hiện hiệu quả, hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 15, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.