Khởi tố doanh nghiệp cố tình vi phạm quyền lợi an sinh người lao động

Vũ Xuân Kiên

Một số đại biểu kiến nghị việc chậm đóng BHXH-BHYT cần được xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng; cần có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như mua bán sổ BHXH, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ ốm.

Từ ngày 3-7/10, Đoàn công tác liên ngành Bộ công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BHXHVN về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (Quy chế số 01) trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Qua công tác kiểm tra, tập trung đánh giá kết quả thực hiện Quy chế số 01, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, góp phần phòng, chống tội phạm nói chung và các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nói riêng.

ttxvn-bhxh-1665201140.jpg
Người dân làm thủ tục mua bảo hiểm tại Bảo hiểm Xã hội huyện Gò Công Tây, Tiền Giang. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Xử lý kịp thời nhiều vi phạm

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, Quy chế số 01 đã được triển khai nghiêm túc, mang lại hiệu quả rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động ngày càng nâng cao.

Công an tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu, tình hình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là các đơn vị có số nợ lớn và kéo dài; thông tin về các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật (trốn đóng, gian lận, trục lợi…) trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý.

Đồng thời, hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi trục lợi, làm giả, sử dụng hồ sơ, tài liệu giả, cấp khống Giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội… nhằm đảm bảo quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý như vụ lập hồ sơ khống, gian lận bảo hiểm y tế của Phòng khám đa khoa Tân Long; 11 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động có dấu hiệu dùng hồ sơ giả...

Tại tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã phối hợp với ngành công an thu nợ bảo hiểm xã hội đối với 88 đơn vị, 8.652 người lao động, tổng số nợ là 65,37 tỷ đồng, qua đó đã thu hồi được 30,11 tỷ đồng (có 54/88 đơn vị khắc phục tiền nợ), đạt tỷ lệ thu hồi 46,1%.

Tương tự, Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng cũng đã phối hợp với công an thành phố tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng và kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại 14 đơn vị sử dụng lao động.

Bảo hiểm xã hội thành phố và bảo hiểm xã hội của 6 quận, huyện đã phối hợp với các ngành liên quan (trong đó có công an) mời 233 đơn vị đến cơ quan bảo hiểm xã hội để làm việc về việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Kết quả có 166 đơn vị tham dự làm việc, số tiền nợ thu được là 10,2 tỷ đồng (chiếm 45,07% trên tổng số nợ của những đơn vị này).

Tại Quảng Nam, thời gian qua, hai cơ quan thường xuyên trao đổi thông tin về nợ bảo hiểm xã hội và trục lợi chế độ bảo hiểm y tế; qua đó đã truy thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại 58 doanh nghiệp với số tiền trên 9 tỷ đồng.

Nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực

Đánh giá công tác phối hợp giữa cơ quan công an và cơ quan Bảo hiểm xã hội đã được triển khai rất chặt chẽ, song ý kiến tại các buổi làm việc của Đoàn công tác đều chung nhận định, hoạt động phối hợp hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc xử lý vi phạm của các đơn vị, doanh nghiệp.

Đơn cử, một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế, chính sách bảo hiểm xã hội còn có kẽ hở, chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm, mức xử phạt hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội còn thấp nên cố tình chậm nộp, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài.

Một số doanh nghiệp giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn, dẫn đến nhiều người lao động không được đảm bảo quyền lợi… Trong khi đó, trên thực tế vẫn còn nhiều người lao động không dám đấu tranh với chủ sử dụng lao động để đòi quyền lợi an sinh chính đáng của bản thân...

Theo đại diện công an tỉnh Đồng Nai, đến tháng 3/2022, trên địa bàn tỉnh có 369 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, làm ảnh hưởng quyền lợi của trên 11.000 người lao động.

Cơ quan công an đã phối hợp xử lý nhiều đơn vị, nhưng nhìn chung tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội còn phổ biến.

Đây là tội phạm mới được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2017, nên việc củng cố hồ sơ, tài liệu xử lý theo pháp luật còn gặp khó khăn, nhất là trong việc xác định hành vi giữa chậm đóng và trốn đóng.

Đại diện Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại về xử lý hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội chưa được thực hiện như đề xuất của cơ quan Bảo hiểm xã hội do "không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 216 Bộ luật Hình sự."

Do vậy, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ công an cùng các bộ, ngành liên quan thống nhất ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục, thành phần hồ sơ để thuận tiện cho cơ quan Bảo hiểm xã hội khi kiến nghị khởi tố theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Một số đại biểu kiến nghị, trong khi mức xử phạt nợ bảo hiểm xã hội thấp, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cần được xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tinh vi như mua bán sổ bảo hiểm xã hội, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội, mượn hồ sơ đi làm, làm giả giấy tờ để chiếm đoạt bảo hiểm xã hội...

Nhấn mạnh việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội hiện có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại cho người lao động và gây dư luận xã hội không tốt, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ công an) cho rằng, những vấn đề tồn tại do chính sách cần sửa đổi để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn khẳng định, công tác phối hợp giữa công an tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh đã góp phần ngăn ngừa lạm dụng, trục lợi và ổn định an ninh xã hội trên địa bàn.

Đề nghị các bên tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm khắc phục tình trạng chậm đóng, nợ đọng kéo dài và các hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế, ông Lê Hùng Sơn cho biết, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh kiên quyết khởi tố những đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm, nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh chính đáng cho người lao động./.