Đến thời điểm này, các trường đại học trên cả nước đã bắt đầu công bố phương án tuyển sinh năm 2024, đây là năm cuối cùng thi theo Chương trình GDPT 2006, nên phần lớn việc xét tuyển được cơ bản giữ ổn định. Các em học sinh và phụ huynh cần nghiên cứu kỹ quy chế và lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân.
Là trường được nhiều thí sinh quan tâm, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng thông tin: “Điểm nổi bật trong công tác tuyển sinh của nhà trường năm nay là mở thêm hai ngành mới là Marketing và Kiểm toán. Đặc biệt là 5 chương trình đào tạo mới gồm các chương trình chất lượng cao ngành Ngân hàng và Tài chính quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế đầu tư và Marketing số, cùng chương trình chuẩn ngành Kiểm toán”.
Ngoài ra, đến nay, các khối ngành liên quan đến Quản trị - Quản lý cũng được nhiều thí sinh quan tâm đặc biệt như Quản trị kinh doanh, Quản lý tài chính,…Tuy nhiên, đưa ra tư vấn cho các em ông Hà cho rằng nếu muốn chọn những ngành này các em không bên “bó hẹp” về cơ hội việc làm của ngành.
“Mọi người không nên nghĩ học Quản trị kinh doanh ra là để làm quản lý, đó là chưa tìm hiểu hết về mục tiêu đào tạo của chương trình. Cụ thể, đối với quản trị kinh doanh sinh viên sẽ được trang bị kiến thức hiểu biết về kinh doanh, cách thức quản trị kinh doanh, dạy về khoa học kinh doanh, khoa học quản lý để người học có cái nhìn tổng quan, tư duy về kinh doanh. Các em nên lưu ý không một trường đại học nào đào tạo cá nhân ra chỉ để làm quản lý”, ông Hà nói.
Sau khi tốt nghiệp ra trường các em vẫn phải trải qua những vị trí việc làm từ thấp tới cao như chuyên viên tập sự, chuyên viên chính, “trong quá trình làm việc nếu chứng minh được năng lực, quá trình phát triển có thể trở thành quản lý, nhóm trưởng”, ông Trần Mạnh Hà chia sẻ.
Vậy nhóm ngành này có đòi hỏi những tố chất, năng khiếu gì chuyên biệt hay không, ông Hà thông tin: “Tôi nghĩ không cần có một tố chất nào quá cụ thể để có theo học ngành nào. Học sinh tốt nghiệp lớp 12 sẽ có những kiến thức cơ bản, nếu đủ điều kiện trúng tuyển là các em có thể theo học.
"Đây là ngành rất mở và tố chất cụ thể con người chỉ chiếm một phần, quan trọng là trong quá trình học tập tại trường đại học các em sẽ được cung cấp kiến thức, kỹ năng và rèn luyện để phát triển công việc sau này như cách làm việc nhóm, thuyết trình, hiểu được về sản phẩm, chiến lược sản phẩm”, ông Hà đánh giá.
Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng nhiều bạn trong quá trình làm việc chứng tỏ được năng lực, phẩm chất phát huy được những kiến thức, kỹ năng mà nhà trường hướng dẫn trong 4 năm đại học thì sẽ phát triển rất nhanh, đáp ứng những vị trí việc làm như quản lý, trưởng nhóm, leader,…
Theo thông tin tuyển sinh được Học viện Ngân hàng công bố nhà trường tuyển hơn 3.500 sinh viên ở trụ sở Hà Nội, tăng 200 chỉ tiêu so với năm 2023 với 5 phương thức, gồm xét tuyển thẳng, dựa vào học bạ (20% tổng chỉ tiêu), xét chứng chỉ quốc tế (15%), xét điểm thi đánh giá năng lực (15%) và xét điểm thi tốt nghiệp THPT (50%).
Đặc biệt, khi xét tuyển dựa vào các kỳ thi đánh giá năng lực, ngoài xét bằng điểm kỳ thi HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay nhà trường xét dựa vào kết quả V-SAT. Đây là kỳ thi do Học viện Ngân hàng phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia và 5 đại học khác tổ chức.
Thí sinh lưu ý, nếu xét bằng điểm HSA, thí sinh cần có học lực giỏi lớp 12 và kết quả thi từ 85/120 điểm trở lên. Nếu sử dụng bài thi V-SAT, điểm xét tuyển là điểm bài thi ba môn theo tổ hợp. Thí sinh cũng được cộng điểm ưu tiên và khuyến khích nhưng các điểm này sẽ được quy đổi để phù hợp với thang điểm của hai bài thi.
Cũng năm trong khối tài chính – ngân hàng, mới đây Học viện Tài chính dự kiến tuyển sinh 4.500chỉ tiêu. Trong đó, chương trình chuẩn là 3.100 chỉ tiêu; chương trình đào tạo định hướng CCQT là 1.280; chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân – DDP là 120.
Chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi THPT ít nhất bằng 60%; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ít nhất 5%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và xét tuyển kết hợp.
Học phí của Học viện Tài chính dự kiến năm học 2024-2025 với Chương trình chuẩn là 25 triệu đồng/sinh viên/năm học; Chương trình định hướng CCQT là 50 triệu đồng/sinh viên/năm học; Diện tuyển sinh theo đặt hàng là 43 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Từ những năm học sau học phí có thể thay đổi khi nhà nước thay đổi chính sách về học phí, trường hợp tăng thì mức tăng không quá 10% so với năm học trước.
Đối với lưu học sinh diện tự túc kinh phí, học phí theo quy định của Học viện đối với sinh viên nước ngoài diện tự túc kinh phí.
Mới đây, tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết quy chế mới chủ yếu điều chỉnh về mặt kỹ thuật để có kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh. Đối với thí sinh, điều quan tâm nhất là phụ lục chứng chỉ ngoại ngữ sử dụng miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.
Bà Thuỷ lưu ý: "Dù đã trúng tuyển sớm nhưng vẫn chưa đỗ chính thức. Theo quy định, thí sinh phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Thí sinh phải xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên ngành nào yêu thích nhất lên trên”.
Việc đăng ký xét tuyển năm nay phần lớn sẽ không có thay đổi gì so với năm ngoái, được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Trong thời gian quy định, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, nếu thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, sau đó lại muốn trúng tuyển nguyện vọng 5 thì không thể thay đổi được.