Quý III có sự tăng trưởng tốt
Theo các nhà phân tích, nguyên nhân đến từ các mối đe dọa về mức thuế quan quá cao, khả năng Trump trở thành tổng thống và căng thẳng thương mại leo thang với Trung Quốc. Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng tại khu vực này cũng đang trong tình trạng yếu kém.
Dữ liệu của Eurostat công bố chiều nay, 30/10, cho thấy tổng sản phẩm quốc nội tại 20 quốc gia sử dụng đồng Euro tăng 0,4% trong quý III so với quý trước, vượt kỳ vọng là 0,2%. Tuy nhiên, về tồng thể vẫn cho thấy sự mong manh vì ngành công nghiệp đang trong suy thoái và tiêu dùng hộ gia đình hầu như không tăng.
Có thể thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng của khối này đã tăng lên 0,9% từ mức 0,6% của 3 tháng trước, duy trì tốc độ tăng trưởng cả năm ở mức hoặc dưới 1% - vẫn thấp hơn mức mà các nhà kinh tế coi là "tiềm năng".
Trong đó, bất ngờ lớn nhất đến từ Đức - nền kinh tế lớn nhất khối, tăng trưởng 0,2% nhờ mức tiêu dùng công và tư cao hơn, mặc dù nhiều quan chức dự đoán suy thoái do ngành công nghiệp rộng lớn của nước này đang gặp khó khăn.
Theo nhà kinh tế học Carsten Brzeski của ING nhận xét về nước Đức: "Số lượng các vụ phá sản ngày càng tăng và các công ty riêng lẻ thông báo về việc tái cấu trúc việc làm sắp tới vẫn lơ lửng, chưa có đáp án".
Ngoài ra, Pháp và Tây Ban Nha cũng cho thấy khả năng phục hồi bất ngờ nhưng các số liệu cho thấy khối này vẫn tụt hậu so với Hoa Kỳ. Tăng trưởng hàng năm tại Hoa Kỳ được dự đoán sẽ giữ ổn định ở mức 3,0% trong quý III nhờ mức tiêu dùng lành mạnh và chi tiêu ngân sách dồi dào.
Theo các chuyên gia, khoảng cách tăng trưởng giữa hai nền kinh tế có thể còn nới rộng hơn nữa. Ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đã hứa sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và 60% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã cảnh báo rằng châu Âu sẽ phải "trả giá đắt" nếu ông thắng cử.
Đây là một nguy cơ bởi bất kỳ mức thuế quan mới nào cũng có khả năng gây ra sự trả đũa, làm tăng chi phí và làm giảm thương mại toàn cầu, động lực lâu nay của châu Âu - một nền kinh tế mở phụ thuộc rất nhiều vào việc lưu thông hàng hóa không có rào cản.
Ở khía cạnh khác, chúng ta cũng thấy rõ, sự thù địch về thương mại của Hoa Kỳ sẽ gia tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc sau khi EU quyết định tăng thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất lên tới 45,3%.
Triển vọng tăng trưởng trong tương lai bấp bênh
Với thông tin mới nhất vào chiều ngày 30/10, thị trường khó có thể thay đổi kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 12. Triển vọng tăng trưởng trong tương lai của khối có vẻ bấp bênh và vẫn lơ lửng ở mức không cao hơn 0 trong 2 năm qua khi ngành công nghiệp chủ chốt của khu vực này liên tiếp chịu những đòn giáng mạnh.
Bên cạnh đó, chi phí năng lượng tăng cao do cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã kéo giảm biên lợi nhuận trong khi sự thay đổi trong mô hình tiêu thụ ô tô và sự yếu kém về kinh tế của chính Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu từ các khách hàng truyền thống.
Điều này đặc biệt gây áp lực lên Đức khi hầu hết các quan chức cảnh báo rằng không có sự phục hồi có ý nghĩa nào trong tầm nhìn và năm 2025 có khả năng vẫn thấp hơn tiềm năng.../.