Kinh tế Mỹ ghi nhận những tín hiệu khả quan

Admin

Giới chuyên gia vẫn có những đánh giá tích cực về triển vọng của nền kinh tế Mỹ.

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ

Chỉ còn đúng 10 ngày nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra giữa hai ứng cử viên - đương kim phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump đến từ đảng Cộng hòa. Một cuộc bầu cử có thể xem là đáng chú ý nhất trên toàn cầu trong năm nay.

Cho đến lúc này, đã có hàng chục triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm ở nhiều nơi. Trong cuộc bầu cử này, vấn đề kinh tế là một trong những chủ đề quan trọng mà người dân Mỹ quan tâm ở hai ứng cử viên.

Nhận định mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF là Mỹ vẫn đang là một động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cụ thể trong Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu bản cập nhật, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Mỹ lên mức 2,8% - cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tình hình của năm tới cũng được xem là khả quan với tăng trưởng dự báo đạt 2,2%.

Trong báo cáo công bố ngày 22/10, IMF đánh giá, tiền lương và giá cả tài sản tăng là động lực chính thúc đẩy tiêu dùng nội địa tại Mỹ, cùng với đầu tư của doanh nghiệp nhìn chung khá mạnh mẽ.

Báo cáo Sách xám được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 23/10 nhìn chung cũng cho thấy, kinh tế Mỹ đang ổn định, với những tín hiệu khởi sắc trong hoạt động tuyển dụng. Giới chuyên gia vẫn có những đánh giá tích cực về triển vọng của nền kinh tế Mỹ.

Ông Marc Kramer - Giảng viên cấp cao, Đại học VinUni cho biết: "Nền kinh tế Mỹ nhìn chung đang hoạt động khá tốt. Lãi suất đã giảm xuống. Tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức thấp, khoảng hơn 4%. Số việc làm được tạo ra vẫn ở mức khá cao. Theo đánh giá của tôi, nền kinh tế Mỹ vẫn đang đi đúng hướng".

Ông Robert Conzo - Giám đốc điều hành, Công ty The Wealth Alliance nêu ý kiến: "Kinh tế đang ghi nhận những tín hiệu tích cực với tỷ lệ thất nghiệp giảm, số việc làm trong tháng 8 cao hơn dự kiến và GDP tăng trưởng ở quanh mức 3%. Hoạt động kinh doanh cũng khả quan, với 64% số doanh nghiệp lớn đạt kết quả vượt dự kiến. Nền kinh tế nhìn chung không phải đối mặt với nhiều tín hiệu tiêu cực".

Trong khi đó, sau quãng thời gian tăng cao do hậu quả của đại dịch Covid-19, giá cả tại Mỹ đang dần hạ nhiệt, tiến gần hơn về mức mục tiêu 2% của FED và được dự báo sẽ tiếp tục giảm.

Bà Lydia Boussour - Chuyên gia kinh tế cấp cao, hãng tư vấn Ernst & Young nhận định: "Khi xem xét môi trường lạm phát và các động lực cơ bản của giá cả, chúng tôi nghĩ kinh tế Mỹ đang hướng tới một môi trường thuận lợi hơn trong năm 2025, với mức tăng giá thấp hơn. Thị trường lao động cũng đang ổn định hơn, khiến tăng trưởng tiền lương chậm lại, trong khi lạm phát giá nhà cũng hạ nhiệt. Các yếu tố này kết hợp lại sẽ khiến lạm phát biến động đúng hướng, dù có thể đối mặt với một số thách thức".

Các diễn biến kinh tế khả quan, cùng với việc lạm phát hạ nhiệt, sẽ là cơ sở để Mỹ hướng tới một kịch bản tích cực hơn. Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ mới đây cho biết, tổng chi tiêu tại Mỹ trong dịp lễ hội cuối năm vào tháng 11 và 12 dự kiến sẽ đạt khoảng 980 đến 989 tỷ USD, tăng từ 2,5% đến 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế Mỹ ghi nhận những tín hiệu khả quan- Ảnh 1.

Mùa lễ hội cuối năm, người dân Mỹ có thể chi tới gần 1000 tỷ USD cho tiêu dùng mua sắm

Tâm lý người dân Mỹ về nền kinh tế trước bầu cử

Mùa lễ hội cuối năm, người dân Mỹ có thể chi tới gần 1000 tỷ USD cho tiêu dùng mua sắm, đây là một con số khổng lồ. Mạnh tay chi tiêu là thế, nhưng liệu rằng người dân Mỹ có đang hài lòng về hiện trạng kinh tế, hài lòng về những chính sách đã ban hành hiện nay?

Anh Carmi – Nhân viên giáo dục cho biết: "Nền kinh tế ổn định đấy chứ. Ví dụ tôi mua xăng khoảng hai đến ba năm trước, giá trên 3 USD/gallon nhưng hiện nay đã xuống khoảng 3 USD. Tôi đánh giá kinh tế qua điều đó nên tôi nghĩ nó đang ổn".

Anh Chris – Nhân viên phân tích dữ liệu chia sẻ: "Năm nay, kinh tế không tốt lắm. Tôi biết nhiều người vất vả, nhiều kỹ sư phải đi lái Uber. Công việc đến rồi đi, có đợt cắt giảm nhân viên lớn của khối công nghệ 4-5 tháng trước nên với nghề của tôi không được sáng sủa cho lắm".

Ông Tom – Chủ doanh nghiệp nhỏ nêu ý kiến: "Thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt. Kinh doanh cũng được nhưng người dân phải vật lộn với giá cả hàng hóa tăng, đó là vấn đề. Tôi không biết ông Trump hay bà Harris sẽ tìm được giải pháp nào cho chuyện này hay không. Rồi thuế cũng cao, chi phí cuộc sống đắt đỏ, giá bất động sản, tiền nhà đều cao, lãi suất đã hạ đôi chút nhưng nhiều người vẫn phải vật lộn".

Ông Peter Tuchman – Giao dịch viên sàn NYSE nhận định: "Thị trường chứng khoán đang rất khỏe mạnh. Nền kinh tế tiến triển tốt. Anh nhìn thấy tăng trưởng liên tục, thất nghiệp giảm xuống mức 4%. Hai năm trước, lạm phát còn 8,5% giờ chỉ còn 2,5%. Đó là một thay đổi cực lớn. Anh trả 5 USD/gallon xăng, giờ còn 3,5 USD, trứng cũng rẻ hơn nhiều. Về cơ bản, thị trường cho thấy kinh tế Mỹ đang vận hành như thế nào. Đúng là vẫn có những người sống chật vật qua ngày nhưng đang có nhiều việc dư thừa so với nhu cầu tìm việc, chỉ là nhiều người chưa muốn quay lại làm việc".

Kinh tế Mỹ ghi nhận những tín hiệu khả quan- Ảnh 2.

Phố Wall chứng kiến những sự tăng trưởng ấn tượng năm nay

Chứng khoán Mỹ liên tiếp phá kỷ lục trong năm nay

Về thị trường tài chính, các số liệu kinh tế vĩ mô Mỹ nhìn chung đang khá tích cực. Và đi theo đó, Phố Wall cũng chứng kiến những sự tăng trưởng ấn tượng năm nay.

Dù có những giai đoạn tương đối biến động do các lo ngại về như lạm phát dai dẳng, FED chậm chạp điều chỉnh lãi suất, hay các biến động như căng thẳng Trung Đông, nhưng tính chung từ đầu năm, cả ba chỉ số chính của thị trường Mỹ vẫn giữ đà tăng điểm và liên tục thiết lập kỷ lục mới. Phiên ngày 18/10 vừa qua đánh dấu cột mốc quan trọng khi cả Dow Jones và S&P 500 đồng loạt chạm mức kỷ lục mới cao nhất mọi thời đại. Nhiều cổ phiếu hàng đầu trên thị trường cũng chứng kiến đà tăng ấn tượng, tiêu biểu là Nvidia đã đi lên gần 200% từ đầu năm đến nay.

Đó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là từ nội tại nền kinh tế Mỹ như việc lợi nhuận của các hãng tăng, lãi suất ngân hàng giảm (triển vọng sẽ còn giảm sâu hơn), nền kinh tế không lo hạ cánh cứng hay suy thoái, lạm phát giảm, tỷ lệ thất nghiệp ổn định, hay cả việc các hãng phát triển AI đã có những bước đi mới.

Về yếu tố bầu cử, một số nhà đầu tư có thể đang đổ tiền vào đầu tư khi các khảo sát gần đây cho thấy Cựu Tổng thống Trump đang chiếm ưu thế. Phố Wall tin rằng, kế hoạch giảm thuế doanh nghiệp của ông Trump sẽ thuận lợi cho giới kinh doanh. Trong khi, bà Harris lại tuyên bố sẽ tăng thuế doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn để công bằng với những người đóng thuế khác. Và việc mua vào cổ phiếu của nhóm ngành có thể được hưởng lợi từ các chính sách của ông Trump như là một cách thể hiện sự ủng hộ của họ.

Đây có lẽ là một trong các cuộc bầu cử khó đoán nhất trong lịch sử Mỹ. Bởi đang có nhiều giả thuyết về khả năng thắng cử của hai ứng cử viên, mà lập luận nào cũng không sai.

Ví dụ, theo truyền thống thống kê của phố Wall, từ cuối tháng 7 tới cuối tháng 10 mà chỉ số S&P 500 tăng điểm, chính quyền đương nhiệm sẽ tái đắc cử. Một thống kê khác về chỉ số Dow Jones trung bình cũng cho thấy, nếu từ đầu năm cho tới cuối tháng 10, chỉ số này tăng điểm, chính quyền đương nhiệm sẽ tiếp tục tiếp quản nhiệm sở. Cả hai phương án trên đều ám chỉ bà Harris có thể sẽ giành chiến thắng.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, lại có thêm các yếu tố khác như cổ phiếu khối ngân hàng cũng tăng giá, giá các loại tiền ảo tăng, giá cổ phiếu của mã như Tesla tăng, tức là những mã và những kênh đầu tư vốn được ông Trump ủng hộ. Điều này lại có nghĩa là ông Trump có thể chiến thắng.

Còn lập luận khác đại diện cho nhóm nhà đầu tư "bàng quan với thế sự" như giao dịch viên Peter Tuchman (Người được mệnh danh là Einstein phố Wall) lại cho biết, ông không chuẩn bị cho phương án nào, phương án tốt nhất của ông là nhìn vào các dữ liệu kinh tế để đầu tư.