Lạ đời chuyện kinh doanh của các ông chủ Mỹ: Không tăng lương cho nhân viên chỉ chờ ‘phép màu’ từ khách, tưởng khôn ngoan nhưng cái kết có thể đắng ngắt

Admin

“Văn hóa tiền boa” liệu là chiến lược khôn ngoan hay là một bước đi đầy rủi ro của các doanh nghiệp Mỹ?

Văn hóa tiền boa tại Mỹ

Theo Wall Street Journal (WSJ), “văn hóa tiền tip” đã lan rộng tại nhiều nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ tại Mỹ. Số tiền này được cho là khoản phí “hỗ trợ” tiền lương cho nhân viên. Hiện tại, ở một số khu vực, dường như nó đã trở thành một "thói quen" hay điều hiển nhiên.

Scheherezade Rehman, chuyên gia kinh tế và giáo sư tài chính quốc tế tại Đại học George Washington cho biết: “Nền kinh tế Mỹ đang phụ thuộc quá nhiều vào tiền tip (tiền boa) hơn bao giờ hết. Thậm chí, nhiều người cho rằng nó đang vượt khỏi tầm kiểm soát và dường như nhiều doanh nghiệp đang đổ trách nhiệm trả lương cho nhân viên sang chính khách hàng”.

Một số doanh nghiệp mới áp dụng “văn hóa” này cho biết trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, việc yêu cầu khách trả thêm tiền boa vừa giúp họ giữ chân nhân viên vừa có thể vẫn giữ các mức giá thấp cho dịch vụ của họ.

Tuy nhiên, việc bị “nhắc nhở” về tiền boa khiến khách hàng cảm thấy không thoải mái. Họ cho rằng trách nhiệm của doanh nghiệp là trả đúng lương cho nhân viên chứ không phải trông chờ vào họ.

Lạ đời chuyện kinh doanh của các ông chủ Mỹ: Không tăng lương cho nhân viên chỉ chờ ‘phép màu’ từ khách, tưởng khôn ngoan nhưng cái kết có thể đắng ngắt - Ảnh 1.

Tiền lương cơ bản và tiền boa trung bình theo giời của nhân viên ngành dịch vụ. Biểu đồ: Wall Street Journal

Một khảo sát của Homebase với 517 doanh nghiệp cho thấy, số lượng doanh nghiệp yêu cầu khách hàng boa cho nhân viên tại thời điểm thanh toán đã tăng lên 16% - từ mức 6,2% vào năm 2019.

Công ty cung cấp các giải pháp quản lý nguồn nhân lực Paychex cũng cho biết ngày càng có nhiều nhân viên nhận tiền boa như một phần lương của họ. Tỷ lệ này đã cao hơn rất nhiều so với mọi thời điểm tính từ năm 2010.

Một nghiên cứu của Gusto, phân tích khoảng 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ ra, tính đến tháng 6/2023, những người làm trong lĩnh vực dịch vụ (ngoại trừ nhà hàng) và du lịch trung bình kiếm được khoảng 1,35 USD/giờ tiền boa, tăng 30% so với mức 1,04 USD/giờ năm 2019.

Ngoài ra, tính đến tháng 5/2023, trung bình lao động ngành này (tính cả nhà hàng) có thu nhập 16,64 USD/giờ với tiền boa là 4,23 USD/giờ.

Nguyên nhân là do đâu?

Trong thời gian đại dịch Covid-19, một số khách hàng đã “quen” với văn hóa tip vì họ hiểu nhiều nhân viên đã phải đặt mình vào rủi ro sức khỏe để phục vụ khách hàng. Điều này đã khiến một số doanh nghiệp ngày càng “đòi hỏi” nhiều hơn trong bối cảnh khó khăn hiện tại.

“Việc các doanh nghiệp lo lắng về suy thoái đã khiến họ không muốn tăng lương cho nhân viên. Vì vậy họ muốn đẩy trách nhiệm này sang khách hàng”, Jonathan Morduch - giáo sư tại Đại học New York nói.

Một ví dụ có thể kể đến Dan Moreno - người sáng lập công ty sửa chữa thiết bị điện tử Flamingo Appliance Service. Được biết, vào năm 2020, ông đã tạo đề xuất để khách hàng đưa thêm tiền boa cho nhân viên của mình với lý do họ có thể gặp những vấn đề sức khỏe khi sửa chữa tại nhà trong thời kỳ đại dịch.

Lạ đời chuyện kinh doanh của các ông chủ Mỹ: Không tăng lương cho nhân viên chỉ chờ ‘phép màu’ từ khách, tưởng khôn ngoan nhưng cái kết có thể đắng ngắt - Ảnh 2.

Một kỹ thuật viên của Flamingo Appliance Service. Ảnh: Wall Street Journal

Ngoài ra, việc chi phí gia tăng cũng khiến Moreno không thay đổi quyết định này dù đại dịch đã giảm bớt. Ông cho biết yêu cầu đó có thể khiến một số khách hàng cảm thấy khó chịu nhưng ông cũng muốn làm điều tốt nhất cho nhân viên và doanh nghiệp của mình. Cụ thể, khoảng 1/3 khách hàng đã để lại tiền boa khoảng 10-20% giá dịch vụ.

Theo WSJ, kể từ sau đại dịch Covid-19, việc giữ chân người lao động trong ngành dịch vụ đặc biệt khó khăn. Trong một báo cáo tháng 5/2023 của Phòng thương mại Mỹ, tỷ lệ người lao động trong ngành dịch vụ khách sạn và nhà hàng nghỉ việc đã lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2021, đạt mức 4,9%.

Tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên ngành bán lẻ cũng chạm mốc 3,3% trong năm nay và tỷ lệ nghỉ việc chung của người lao động Mỹ là 2,6%, theo Cục Thống kê Lao động.

Liệu có phải một chiến lược khôn ngoan?

Zachary Cheaney, chủ của thương hiệu nước ép Main Squeeze Juice Co. tại Los Angeles cho biết nếu mình tính thêm 2 USD vào hóa đơn, khách hàng có thể cảm thấy tổng chi phí quá cao và sẽ không quay lại. Nhưng việc yêu cầu boa cho nhân viên lại là sự lựa chọn dành cho tệp khách hàng đủ khả năng thanh toán.

“Nếu không có tiền boa, chúng tôi buộc phải trả nhiều tiền hơn cho nhân viên. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh mọi chi phí đều gia tăng”, ông chia sẻ.

Lạ đời chuyện kinh doanh của các ông chủ Mỹ: Không tăng lương cho nhân viên chỉ chờ ‘phép màu’ từ khách, tưởng khôn ngoan nhưng cái kết có thể đắng ngắt - Ảnh 3.

Liệu việc để khách hàng "boa" cho nhân viên thay vì tăng lương là một chiến lược khôn ngoan?. Ảnh: CNBC, Richard Washington

Tuy nhiên, việc tăng mức boa nhưng không tăng lương cơ bản là điều không tốt cho người lao động, Saru Jayaraman - giám đốc của Trung tâm nghiên cứu lao động thực phẩm cho biết. Và thậm chí, đây còn là một chiến lược không quá “không ngoan”. Bởi nếu khách hàng lựa chọn ngừng trả tiền boa, lương của nhân viên sẽ giảm đáng kể và có nguy cơ họ sẽ nghỉ việc.

Vào tháng 5, một cuộc khảo sát của công ty dịch vụ tài chính Bankrate cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã không còn đưa tiền boa nhiều như thời đại dịch Covid-19. Thậm chí 41% số người được hỏi cho biết các doanh nghiệp nên trả lương cho nhân viên của họ cao hơn thay vì phụ thuộc quá nhiều vào tiền boa. Khoảng 1/3 số người được hỏi nói rằng “văn hóa” này đã nằm ngoài tầm kiểm soát.

Mặt khác, Mary Medley, một người đã về hưu ở Denver cho biết bà coi việc trả tiền boa hào phóng là một phần trách nhiệm đóng góp cho kinh tế của mình. Bà cảm thấy việc giảm bớt gánh nặng tài chính cho người khác là điều có thể chấp nhận được.

Tham khảo WSJ