Người Đưa Tin (NĐT): Bấy lâu nay, nhiều người cho rằng, lợi thế lớn nhất của ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng là nguồn nhân lực dồi dào nên có điều kiện “so bó đũa, chọn cột cờ” để lựa chọn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giỏi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học. Ông nói sao về điều này?
Ông Bùi Văn Kiệm: Không hẳn là vậy (trầm tư). Giống như nhiều địa phương khác, hiện ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực khá trầm trọng, nhất là đội ngũ giáo viên, ở cả 4 cấp học Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT.
NĐT: Có vẻ khó tin khi Hải Phòng là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, là một trong những trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng Duyên hải Bắc Bộ. Đề nghị ông nói rõ hơn về tình trạng thiếu nhân lực trong ngành Giáo dục và Đào tạo của Hải Phòng?
Ông Bùi Văn Kiệm: Năm học 2023 - 2024, tổng số nhân lực làm việc trong ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng theo định mức quy định là 30.194 người. So với số biên chế đã được giao, số biên chế còn thiếu cần bổ sung là 5.109 biên chế. Trong đó, cấp học Mầm non thiếu 1.100 biên chế, cấp Tiểu học thiếu 1.381 biên chế, cấp THCS thiếu 1.696 biên chế và cấp THPT: 932 biên chế.
Riêng số biên chế giáo viên còn thiếu cần bổ sung để bảo đảm đủ định mức theo quy định là 3.952 giáo viên. Trong đó, thiếu 907 giáo viên Mầm non, 1.030 giáo viên Tiểu học, 1.278 giáo viên THCS và 737 giáo viên THPT.
NĐT: Trước thực trạng này, Hải Phòng nói chung và ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố nói riêng có những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Kiệm: Từ năm học 2022 - 2023, đối với cấp học THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã thực hiện giao cơ cấu giáo viên theo bộ môn đối với các trường THPT công lập trực thuộc. Trong đó, giao biên chế và hợp đồng đối với môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Trên cơ sở này, đơn vị đã phối hợp Sở Nội vụ Hải Phòng xây dựng kế hoạch tuyển dụng, trong đó tuyển dụng môn Âm nhạc, Mỹ thuật, góp phần bảo đảm các hoạt động giáo dục của các nhà trường.
Đối với các cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tổ chức các hội nghị để chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo của các quận, huyện trên địa bàn cũng như các cơ sở giáo dục. Trong đó, giao quyền chủ động cho các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với đội ngũ giáo viên. Đồng thời, chủ động, linh hoạt việc sắp xếp giáo viên dạy các môn tích hợp (Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên) của chương trình giáo dục phổ thông để phù hợp với thực tiễn và đảm bảo chất lượng.
Thực tế cho thấy, để các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp sẽ giảm bớt được áp lực khi thiếu giáo viên và khắc phục những khó khăn để hạn chế ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của giáo viên và chất lượng giáo dục của các nhà trường.
NĐT: Đó có vẻ như chỉ là giải pháp tình thế, một cách “liệu cơm gắp mắm”. Về lâu dài, Hải Phòng làm gì để sớm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, nhất là đội ngũ giáo viên?
Ông Bùi Văn Kiệm: Trước tình trạng thiếu giáo viên có xu hướng gia tăng, kéo dài, nhận thức rõ trách nhiệm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính Thành phố, UBND các quận, huyện trên địa bàn, Trường Đại học Hải Phòng, cùng các ngành liên quan tổ chức hội nghị họp bàn về các giải pháp bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông công lập đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục.
Liên Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Nội vụ Hải Phòng đã có Báo cáo số 38/BC-SGDĐT-SNV gửi UBND Tp.Hải Phòng về thực trạng và đề xuất giải pháp tuyển dụng, bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Trên cơ sở đề xuất của hai Sở, UBND Tp.Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo tại Công văn số 840/UBND-KSTTHC về tuyển dụng, sử dụng viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, giao Sở GDĐT và UBND quận, huyện thực hiện tuyển dụng; Giao Trường Đại học Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với Sở GDĐT, Sở Nội vụ, các quận, huyện kịp thời dự báo nắm bắt nhu cầu đào tạo, nâng cao năng lực đào tạo, bảo đảm nguồn giáo viên đáp ứng đủ nhu cầu các bậc học của thành phố.
NĐT: Thực tế cho thấy, muốn thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là các giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, trước tiên phải “lo cho cái dạ dày của họ” (chế độ đãi ngộ). Hải Phòng đã làm điều này thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Kiệm: Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tham mưu UBND Tp.Hải Phòng xây dựng Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND quy định cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế trình HĐND Thành phố thông qua.
Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đang tham mưu UBND Thành phố ban hành chính sách về chế độ ưu đãi cán bộ, giáo viên mầm non trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2028. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND Tp.Hải Phòng chế độ ưu đãi xứng đáng, phù hợp đối với toàn bộ đội ngũ cán bộ, giáo viên. Qua đó, góp phần sớm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trong ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương.
NĐT: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!.
Thái Phan (thực hiện)