Lo ngại học sinh không chọn thi Ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT nói gì?

Admin

Từ năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ phải thi 2 môn bắt buộc và tự chọn 2 môn trong chương trình học lớp 12.

Tại buổi họp báo công bố phương án tổ chức thi kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 diễn ra chiều nay (29/11), đại diện Bộ GD&ĐT, ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, đã thông tin các nguyên tắc cốt lõi xây dựng phương án thi.

Theo đó, đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo Nghị quyết số 29.

Cuối cùng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận của xã hội.

Giáo dục - Lo ngại học sinh không chọn thi Ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT nói gì?

 ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT.

Ông Chương cũng cho biết phương án thi bám sát các quy định liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành. Bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, theo đó bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ giữa đổi mới các kỳ thi quốc gia với kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ trong quá trình dạy học. Đồng bộ với lộ trình tự chủ giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. 

Cuối cùng là kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015 - 2023. Chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.

Đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá quá trình xây dựng phương án thi đã lấy ý kiến nhiều chuyên gia, ban ngành liên quan và ý kiến của xã hội để có cơ sở công bố phương án.

Giáo dục - Lo ngại học sinh không chọn thi Ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT nói gì? (Hình 2).

Nhiều thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (Ảnh: Hữu Thắng).

Từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và lựa chọn 2 môn trong số các môn còn lại ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

“Sẽ có rất nhiều công việc tiếp theo liên quan đến tổ chức và xây dựng ngân hàng đề thi được nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới. Mặc dù thí sinh được giảm môn thi, nhưng khối lượng công việc làm đề thi sẽ tăng lên nhiều so với hình thực thi hiện hành”, ông Huỳnh Văn Chương bày tỏ.

Trao đổi với báo chí, trước lo lắng môn Ngoại ngữ trở thành môn tự chọn sẽ giảm chất lượng đào tạo, ông Huỳnh Văn Chương thông tin: “Môn Ngoại ngữ hiện nay được bắt buộc học từ năm lớp 3 và các kỳ thi chuyển cấp đều có môn thi này.

Do đó, từ lớp 3 đến lớp 12 học sinh đều học và thi môn Ngoại ngữ, đây là điều kiện nền tảng để các em phát triển môn Ngoại ngữ. Ngoài ra, ở bậc đại học cũng có chuẩn đầu ra theo khung năng lực 6 bậc. Vì vậy, không thể nói vì một kỳ thi mà bỏ học ngoại ngữ, việc học là liên tục và vai trò các đề thi là như nhau”.

Đối với ngân hàng đề thi, sẽ tiếp tục nghiên cứu điều kiện ra đề và huy động đội ngũ tham gia xây dựng để đảm bảo yêu cầu của kỳ thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, mục đích vẫn sẽ đánh giá dúng kết quá học tập của người học theo mục tiêu và chuẩncần đạt theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất luợng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Nội dung thi sẽ bám sát nội dung Chương trình GDPT 2018. Với hình thức môn Ngữ Văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại theo hình  thức trắc nghiệm.