Loạn thần, điên dại vì ma túy thế hệ mới

Admin

Lần đầu tiên nghe lời bạn dụ dỗ hút thuốc lá điện tử, cô gái 20 tuổi (Hà Nội) rơi vào hôn mê sâu, suy tim, suy thận, gan, tổn thương não lan tỏa, nặng hơn một ca đột quỵ não. Chất cần sa tổng hợp trong thuốc lá điện tử đã làm tan vỡ cuộc đời một cô gái trẻ.

z4224899651047-d3d9fd7da11d350eab4bd892092800e1-2659-1680231998.jpg

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Câu chuyện của cô gái mới bước qua tuổi trăng tròn vào giữa năm 2022, ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai dường như chỉ gây ra sự rúng động ở thời điểm đó về sự nguy hại của thuốc lá điện tử có chất gây nghiện. Có rất nhiều gia đình nghĩ rằng, ma túy chắc chỉ dừng ở cửa ngõ nhà mình, con cái mình được “răn dạy” để miễn nhiễm với các chất gây nghiện. Nhưng thực chất, ma túy tổng hợp đang có nhiều cách ẩn nấp, nhiều hình thức trá hình len lỏi vào cuộc sống giới trẻ, đã và đang làm hỏng một thế hệ.

Giới trẻ "suy kiệt" như người già sau khi sử dụng ma túy tổng hợp

Các dạng ma túy hiện nay rất đa dạng, ẩn nấp dưới nhiều hình thức, tấn công vào học đường, vào giới trẻ như thuốc lá điện tử, bóng cười…

Những năm qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên, thiếu niên bị ngộ độc sau khi sử dụng nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử, ma túy tổng hợp. Hệ lụy để lại, là sự sa sút tâm thần, trí não một cách nghiêm trọng.

Chúng tôi đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vào một ngày cuối tháng 3. Nơi đây vừa tiếp nhận điều trị cho 3 trường hợp ngộ độc chất gây nghiện, có những tổn thương về sức khỏe trầm trọng như một “người già”.

Bệnh nhân nam N.H.L 16 tuổi (Kim Sơn, Ninh Bình) được đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngày 26/3 trong tình trạng ngộ độc chất kích thích. Cậu bé có tiền sử sử dụng thuốc lá điện tử 3 tháng qua.

Chiều ngày 25/3, bệnh nhân đi liên hoan cùng bạn bè, không rõ có sử dụng chất kích thích hay không. Đến 20 giờ ngày 26/3, người nhà phát hiện H. co quắp, gồng cứng người, đau ngực đưa cấp cứu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Bệnh nhân được chẩn đoán co giật chưa rõ nguyên nhân và được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai.

Trước đó, ngày 24/3, Trung tâm cũng tiếp nhận nam bệnh nhân N.Đ.N (22 tuổi, Mai Sơn, Sơn La) bị ngộ độc chất kích thích. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào 3 năm và hút thuốc lá điện tử từ tháng 1/2023.

Người nhà cho biết, tối ngày 23/3, bệnh nhân hút thuốc lá điện tử nhiều. Đến 3 giờ ngày 24/3, bệnh nhân uống café, hút thuốc lá điện tử và sau khoảng 1 giờ đồng hồ, bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử với các triệu chứng chóng mặt, bủn rủn chân tay, nôn, đau thắt ngực trái từng cơn được đưa vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

benh-nhan-2-7069-1680232028.jpg

Thuốc lá điện tử gây ra tình trạng ngộ độc cho người bệnh.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ma túy thế hệ mới hiện nay có nhiều chất độc, tác động nguy hiểm tới sức khỏe, có thể biến người trẻ tuổi thành một “ông già”.

“Tim người trẻ rất khỏe mạnh, không dễ bị co thắt như người già có bệnh lý xơ vữa hay mỡ máu. Nhưng sau khi hút các chất gây nghiện, người trẻ tuổi rất nhanh chóng bị co thắt mạch vành, hẹp mạch máu gây tổn thương cơ tim. Trường hợp N.Đ.N bị co thắt cơ tim ngay lập tức, thiếu máu cơ tim là như vậy”, bác sĩ Nguyên cho hay.

Có những trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp dài ngày gây ra ngộ độc chất kích thích, gây ra tổn thương não bộ nghiêm trọng, rất khó phục hồi.

Cuối tháng 3, bệnh nhân nam 24 tuổi (Đống Đa, Hà Nội) cũng mới được đưa vào Trung tâm chống độc với những biểu hiện kích thích vật vã. Bệnh nhân từng có 6 năm sử dụng Tobacco, sử dụng kẹo, ke, bóng cười khoảng 1 tháng/lần.

2 tháng gần đây, bệnh nhân có dùng Tobacco không rõ số lượng, ngoài ra còn dùng bóng cười 3-4 quả/2 tháng, kẹo-ke 2 lần/tháng. 2 tuần gần đây bệnh nhân bỏ không dùng nữa thì xuất hiện tình trạng mệt mỏi, cảm giác khó chịu, run tay chân và có kích thích thần kinh vật vã.

Bác sĩ Nguyên cho biết, nhiều người trẻ sau khi dùng ma túy bị “lão hóa não” với các triệu chứng từng gặp như xuất huyết não, tai biến mạch máu não, co thắt mạch máu não, gây ra thiếu máu não diện rộng dẫn đến tử vong. Không ít trường hợp trẻ sau nghiện ma túy vào viện được chẩn đoán thiếu máu lên não nghiêm trọng, thậm chí cả nửa bên não bị thiếu máu não, nặng hơn rất nhiều so với nguyên nhân thiếu máu não ở người cao tuổi.

Những trường hợp trên đây đều được điều trị kịp thời, sớm ổn định ra viện. Tuy nhiên, những hệ lụy về mặt thần kinh, trí não sẽ còn ảnh hưởng lâu dài. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, các trường hợp đã nhập viện vì ngộ độc chất kích thích, sau khi ra viện, nên đi khám sức khỏe tâm thần.

Xuất hiện nhiều bệnh lý mới từ ma túy thế hệ mới

Nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã phải đối mặt với chất ma túy truyền thống từ tự nhiên như thuốc lá truyền thống, thuốc phiện, heroin, rượu… tạo những gánh nặng cho xã hội thì đến nay, thuốc lá điện tử khởi động mở màn cho xu hướng trào lưu gây ra những bệnh ngộ độc mới-ngộ độc hỗn hợp hóa chất nhân tạo tổng hợp.

"Thuốc lá điện tử là cái nôi chứa chấp chất ma túy mới hiện nay", Tiến sĩ Nguyên bức xúc nói. Bởi vì thuốc lá điện tử có hàm lượng nicotin rất cao so với thuốc lá truyền thống. Đây là một loại ma túy có những chất độc với thần kinh, tim mạch, tâm thần, gây nghiện.

“Các nghiên cứu lớn trên thế giới với hàng nghìn trẻ em cho thấy, thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống. Trong thuốc lá điện tử có nhiều thành phần khác là các loại hóa chất. Các chất này khi đốt cháy, nung nóng có thể tạo ra hàng chục chất, có thể gây ra những căn bệnh mới nổi như bệnh Evali ở Mỹ (tổn thương phổi do các sản phẩm thuốc lá điện tử hoặc vaping)”, bác sĩ Nguyên cho hay.

z4224899701971-1334be6f398172476137e4148e8bc747-2434-1680232068.jpg

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo về những tác hại nguy hiểm với sức khỏe của ma túy thế hệ mới núp bóng dưới thuốc lá điện tử.

Nếu không ngăn chặn việc thuốc lá điện tử đang dẫn đầu cho kỷ nguyên nguy hiểm lạm dụng các hóa chất nhân tạo thì vô vàn hóa chất có thể đưa vào cuộc sống giới trẻ theo chủ đích của “nhà sản xuất”.

Tiến sĩ Nguyên cảnh báo: “Đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thống kê bùng nổ vụ ngộ độc hàng loạt chất mới nổi. Một loạt căn bệnh mới nổi chưa từng có, sẽ xuất hiện ở nhiều năm sau. Nếu không ngăn chặn sớm, ma túy sẽ len lỏi vào trường học, vào hệ thống luật lệ, quy định, thành thói quen của xã hội thì chúng ta rất dễ bỏ qua.

Mối nguy hiểm này còn kinh khủng hơn thuốc lá truyền thống, rượu vì đây là hỗn hợp hóa chất được đưa vào có yếu tố chủ đích do lợi nhuận, thương mại. Chúng không chỉ gây tổn thương phổi cấp, bỏng mô, gây ra các bệnh lý đường hô hấp, tim mạch, tâm thần mà còn có thể gây tổn thương phức tạp hơn so với thuốc lá truyền thống”.

Với sự ra đời liên tục của hàng loạt chất cần sa tổng hợp, được pha trộn trong thuốc lá điện tử, với hệ thống xét nghiệm còn khiêm tốn ở Việt Nam, nhiều kẻ xấu sẽ “qua được” mặt cơ quan chức năng.

Chuyên gia này cho hay, hóa chất cần sa tổng hợp mới thay đổi hàng ngày, khiến cho việc xét nghiệm gặp khó khăn. Có những chất mất vài tháng mới xét nghiệm ra, chưa kịp đưa vào quy trình để quản lý, xử phạt thì lại xuất hiện chất cần sa mới. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý, cho cả công tác phát hiện đúng nguyên nhân gây bệnh để có phác đồ điều trị kịp thời.

Ma túy thế hệ mới gây ra những bệnh tật cực kỳ phức tạp. Ngộ độc chất gây nghiện sẽ có những biểu hiện từ rối loạn tâm thần, hoang tưởng ảo giác, kích thích vật vã. Phổ biến nhất của ngộ độc ma túy là lăn ra bất tỉnh, tím tái, co giật sùi bọt mép. Có không ít trường hợp cấp cứu sốc, tụt huyết áp, tổn thương đa cơ quan.

Đặc biệt, có nhiều biểu hiện ngộ độc mới ở người sử dụng chất gây nghiện có trong ma túy tổng hợp. Có thể người bệnh được cấp cứu qua giai đoạn nguy kịch tính mạng, nhưng sau đó, hàng trăm chất ấy có thể gây ra những hậu quả nặng nề về sức khỏe, tâm thần, trí não…

Cần khẩn trương cấm lưu hành thuốc lá điện tử

Hiện nay, chúng ta đang và đã đối mặt với hàng chục nhóm ma túy, mỗi nhóm có nhiều chất ma túy bên trong, đặc biệt hiện nay ma túy thế hệ mới ẩn dưới dạng cần sa tổng hợp.

Các chất này được pha trộn nhiều kiểu, lẩn khuất, chui lủi vào nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử từ các dạng thảo mộc, thậm chí trà trộn vào thực phẩm như bánh kẹo. Thuốc lá điện tử dẫn dụ, kích thích giới trẻ theo các cách khác nhau từ việc tạo ra những hương vị, hương thơm, kiểu cách, hình thức… bắt mắt.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm sử dụng thuốc lá điện tử. Trung Quốc đã cấm sử dụng thuốc lá điện tử từ 10/2022. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa cấm và chưa có những biện pháp quản lý chặt đối với thuốc lá điện tử.

Do đó, bác sĩ Nguyên cho rằng, Việt Nam cần phải vào cuộc kịp thời, khẩn trương có quy định cấm lưu hành thuốc lá điện tử nếu không sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề phức tạp sắp tới.

z4224966866091-31cdeeb681798291c73a335111fbdb4b-8535-1680232118.jpg

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc chất gây nghiện, ngộ độc bóng cười, thuốc lá điện tử....

Đặc biệt, hiện nay giới trẻ có rất nhiều người trầm cảm, mà phần lớn có nguyên nhân từ sử dụng ma túy. Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận nhiều ca tự tử đều có tiền sử sử dụng ma túy, gây ra rối loạn tâm thần, hoang tưởng dẫn đến hành vi tự sát.

“Vì có nhiều bệnh mới nổi từ hệ lụy của việc sử dụng ma túy thế hệ mới, nên các trường hợp có tiền sử hút thuốc lá điện tử chúng tôi sẽ phải phải khám, chụp phổi kỹ để xem xét các tổn thương. Nếu chúng ta không ngăn chặn sớm việc cấm thuốc lá điện tử, chúng ta sẽ đối mặt với nhiều bệnh mới nổi chưa có trong y văn thế giới hoặc sẽ phải chứng kiến nhiều trường hợp ngộ độc tập thể khác”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Số người nghiện ma túy dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ 39,4% cho thấy số người nghiện mới trong độ tuổi lao động tăng cao, người nghiện đang có xu hướng trẻ hóa.

Cũng tương đồng như người nghiện thì số người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao. Số người sử dụng trái phép chất ma túy trong độ tuổi lao động từ 18-45 tuổi chiếm tỷ lệ rất cao, tới 87%, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nguồn nhân lực trong lao động, sản xuất.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an (số liệu thống kê tính đến ngày 30/12/2021)