LUẬT VIỆC LÀM (SỬA ĐỔI): Cải thiện mức đóng - hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Admin

Mức đóng chưa sát thu nhập thực tế dẫn đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động còn thấp

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, năm 2023, thành phố giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho 164.929 người lao động (NLĐ) với số tiền hơn 5.489 tỉ đồng. Bình quân mỗi NLĐ được hưởng 35.468.753 đồng, trong đó mức hưởng TCTN dưới 2 triệu đồng/tháng có 283 người (0,17%); từ 2-4 triệu đồng/tháng là 100.933 người (61,20%); 54.801 người (33,23%) hưởng mức trên 4 triệu đến dưới 17,5 triệu đồng/tháng; 8.912 người (5,40%) nhận trên 17,5 triệu đồng/tháng.

Mức hưởng bèo bọt

Trong khi đó, theo Cục Thống kê TP HCM, năm 2022, thu nhập bình quân của NLĐ tại thành phố đạt hơn 9,18 triệu đồng/người/tháng và năm 2023 đạt 9,22 triệu đồng/người/tháng. Đối chiếu từ các số liệu trên cho thấy có sự chênh lệch khá lớn giữa thu nhập thực tế và mức hưởng TCTN của NLĐ. Đáng nói hơn là có gần 63% NLĐ tại thành phố chỉ được hưởng TCTN ở mức trên mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng) và dưới mức lương tối thiểu (LTT) vùng.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại một sàn giao dịch việc làm lưu động ở TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại một sàn giao dịch việc làm lưu động ở TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ

Lý giải tình trạng trên, ThS Nguyễn Tất Năm, nguyên Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng đa số người sử dụng lao động (NSDLĐ) hiện nay thường dựa vào mức LTT để xây dựng mức lương trong thang lương, bảng lương làm cơ sở tuyển dụng, giao kết trong hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ. Điều này không trái với quy định của pháp luật nhưng tạo ra khoảng cách lớn giữa thu nhập thực tế với tiền lương trong hợp đồng. Bên cạnh đó, để tiết giảm chi phí đóng các khoản bảo hiểm, NSDLĐ còn chia nhỏ lương và quy vào các khoản phụ cấp, trợ cấp không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN… Với mức hưởng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN (của 6 tháng cuối trước khi nghỉ việc), TCTN mà NLĐ được nhận sẽ thấp hơn mức LTT vùng. Trong khi nếu đóng BHTN trên thu nhập thực tế, mức hưởng TCTN hằng tháng của NLĐ có thể đạt mức hơn 5,5 triệu đồng/tháng.

Theo các chuyên gia lao động, khi NLĐ đang tham gia vào quan hệ lao động thì tiền lương là nguồn thu nhập chính, bảo đảm nhu cầu cơ bản của cuộc sống hằng ngày và tích lũy cho tương lai. Khi bị thôi việc, mất việc thì TCTN trở thành nguồn thu nhập chính, đóng vai trò như một "mạng lưới an toàn" tạm thời, giúp họ duy trì cuộc sống trong thời gian chưa tìm được công việc mới… Mức đóng BHTN thấp không chỉ ảnh hưởng đến mức hưởng, thời gian hưởng của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến sự bền vững của quỹ BHTN, đến các chính sách hỗ trợ liên quan như đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề nhằm duy trì, tạo việc làm bền vững cho NLĐ.

Thiếu linh hoạt

Ngoài bất cập trên, quy định về mức hưởng TCTN bình quân hằng tháng cũng được các chuyên gia nhận định là chưa phù hợp. Cụ thể, theo quy định hiện hành, mức hưởng TCTN bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp (tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức LTT vùng đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định).

Kế thừa quy định này, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đề xuất mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng BHTN gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức LTT tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN. ThS Bùi Lê Hiếu, Học viện Tòa án, cho rằng việc quy định mức trần hưởng nêu trên khiến NLĐ nhận TCTN thấp hơn so với mức thu nhập trước đó. Đồng thời, thể hiện sự thiếu linh hoạt khi chưa tính đến sự chênh lệch giữa các khu vực, ngành nghề hoặc sự biến động kinh tế. NLĐ có thể gặp khó khăn khi mức sống tăng nhưng mức trợ cấp không đáp ứng đủ.

Còn theo TS Nguyễn Phương Thảo, Trưởng Bộ môn Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP HCM, quy định cứ đóng đủ từ 12 đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng nhưng tối đa không quá 12 tháng là chưa xem xét thấu đáo đến quyền lợi của nhóm lao động trung niên, có thời gian đóng BHTN dài. Đây là nhóm bị sa thải tăng mạnh thời gian qua nhưng vì sức khỏe, độ tuổi, trình độ chuyên môn, khả năng ứng dụng công nghệ… chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nên khó tìm việc làm mới. Do đó, bà Thảo đề xuất đối với NLĐ từ đủ 45 tuổi sẽ được hưởng thêm 3 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 15 tháng. Bên cạnh đó, đối với lao động thất nghiệp có người phụ thuộc thì nên tăng thêm 0,5% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN nhưng tối đa không quá 5 lần mức LTT tháng để giúp NLĐ ổn định cuộc sống gia đình họ trong thời gian thất nghiệp, góp phần khẳng định ý nghĩa của chế độ BHTN. 

Nâng trần khung hưởng

Để cải thiện mức đóng - hưởng BHTN, ThS Nguyễn Tất Năm đề xuất cho phép cơ quan BHXH kết nối dữ liệu về lao động, thuế với các đơn vị liên quan và có quyền yêu cầu NSDLĐ báo cáo định kỳ hằng quý về tiền lương, kết nối dữ liệu báo cáo tài chính hằng quý để xác định mức lương tháng đóng BHXH, BHTN của NLĐ; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trong việc kê khai mức đóng BHXH, BHTN để hạn chế tình trạng mức đóng thấp hơn so với lương, thu nhập thực tế. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc nghiên cứu, điều tiết sự hài hòa giữa tiền lương và mức sống của NLĐ; điều chỉnh hợp lý mức LTT, bảo đảm NLĐ có mức lương đáp ứng cơ bản cuộc sống của họ và gia đình. Đồng thời, nâng trần khung hưởng TCTN và cải thiện chính sách hỗ trợ NLĐ nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển việc làm bền vững.