Máy bay điện không còn là viễn cảnh

Tran Huy

Với mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính do ngành hàng không gây ra, một số hãng hàng không và công ty trên thế giới đang bước vào cuộc đua phát triển những mẫu máy bay chạy bằng điện thân thiện với môi trường.

Thậm chí, nhiều đơn đặt hàng đã được ký kết ngay từ khi các máy bay loại này còn chưa trải qua giai đoạn thử nghiệm.  

Reuters cho biết, Hãng hàng không quốc gia Saudi Arabia (SAUDIA) mới đây đã ký hợp đồng mua máy bay điện từ một công ty chuyên sản xuất máy bay điện của Đức. Cụ thể, theo Giám đốc điều hành Ibrahim Koshy của SAUDIA, hãng này sẽ mua 100 máy bay chạy bằng điện của công ty Lilium (Đức) để phục vụ cho mạng đường bay trong nước.

Máy bay điện không còn là viễn cảnh
 Máy bay điện Alice của hãng Eviation được giới thiệu tại một triển lãm hàng không. Ảnh: CNN

Dự kiến, loại máy bay điện 6 chỗ ngồi này sẽ cung cấp các dịch vụ cao cấp cho hành khách và người dân Saudi Arabia. "Nỗ lực này cho thấy cam kết của SAUDIA về phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ là hãng hàng không đầu tiên trong khu vực đưa máy bay điện vào sử dụng", Giám đốc điều hành của SAUDIA hồ hởi tuyên bố.

Mặc dù giá trị của hợp đồng vẫn chưa được tiết lộ, song ông Koshy nói rằng hãng hàng không Saudia hy vọng các chuyến bay đầu tiên bằng máy bay điện Lilium có thể được thực hiện vào năm 2025.

Nhận rõ rằng hàng không là một trong những loại hình vận tải gây phát thải khí nhà kính cao, một số nhà sản xuất trên thế giới đang đẩy mạnh nghiên cứu nhằm cho ra đời các loại máy bay chạy bằng điện. Ngày 27-9-2022 đánh dấu một cột mốc mang tính lịch sử trong nỗ lực này khi chiếc máy bay chạy hoàn toàn bằng điện Alice của công ty khởi nghiệp Israel Eviation đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên từ sân bay quốc tế Grant County, thuộc bang Washington, Mỹ.

Chuyến bay chỉ kéo dài hơn 7 phút nhưng được đánh giá là bước tiến quan trọng đối với ngành hàng không thế giới. Công ty Eviation cũng khẳng định Alice sẽ là “máy bay chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới”. “Hôm nay đánh dấu kỷ nguyên mới của ngành hàng không. Lần đầu tiên chúng ta đã điện khí hóa thành công máy bay với chuyến bay đầu tiên không thể nào quên của Alice”, Gregory Davis-Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty Eviation tuyên bố.

Đáng chú ý, một thành viên Hội đồng quản trị của Eviation tiết lộ rằng máy bay điện Alice sử dụng loại pin giống như pin dùng cho nhiều loại ô tô điện đang thịnh hành trên thế giới. Hiện mẫu máy bay này đang chờ được cấp chứng nhận để có thể đi vào hoạt động từ năm 2025.

Cũng trong tháng 9 vừa qua, các nhà sản xuất máy bay của Thụy Điển đã giới thiệu mẫu máy bay điện với tên gọi ES-30. Một số nguồn tin cho biết máy bay điện ES-30 được tích hợp cả pin và động cơ dự phòng chạy bằng nhiên liệu hàng không bền vững nên có thể bay trong phạm vi lên tới 400km. Dự án sản xuất và phát triển máy bay điện ES-30 cũng được đánh giá có tính khả thi cao và dự kiến chuyến bay thử nghiệm sẽ được thực hiện trong vòng vài năm tới.

Cũng có thông tin cho rằng Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và cả hãng Boeing đã đầu tư khoản tiền lớn vào việc nghiên cứu chế tạo và phát triển máy bay chạy hoàn toàn bằng điện, trong khi hãng Airbus đã bắt đầu nghiên cứu về hàng không điện từ năm 2010.

Máy bay điện được coi là sản phẩm tiềm năng nhằm xây dựng ngành hàng không sạch, bền vững và đặc biệt là giá cả phải chăng trong tương lai. Theo nhận định của công ty Heart Aerospace, các máy bay sử dụng động cơ điện sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với máy bay sử dụng động cơ phản lực. Đó là chưa kể chi phí bảo dưỡng máy bay điện cũng rẻ hơn tới... 100 lần.

Với những bước phát triển nhanh chóng của ngành hàng không điện, khả năng trong vài năm tới thế giới sẽ chứng kiến nhiều mẫu máy bay điện ồ ạt ra đời và việc hành khách vi vu trên bầu trời cùng các loại máy bay giá rẻ chạy hoàn toàn bằng điện không còn là tương lai xa vời.

TRUNG DŨNG