Mở lối cho điêu khắc đương đại

Admin

Vốn chỉ được hiểu một cách bó hẹp là các công trình tượng đài, nghệ thuật điêu khắc Việt Nam đang thiếu vắng những tác phẩm ấn tượng, tiêu biểu. Bên cạnh đó, với những hạn chế về nguồn lực và không gian trưng bày, điêu khắc đương đại nước ta vẫn còn xa lạ với công chúng.

7589f46f8ae746b91ff6-1645688033055-1683253222.jpg

Không gian Triển lãm Điêu khắc 2022 trong chuỗi sự kiện "Đường tới ánh dương". (Ảnh: Minh Duy)

Cuộc thi và triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới tại Hà Nội. Đây là sân chơi để giới họa sĩ, nhà điêu khắc giao lưu, trao đổi, công bố tác phẩm mới, quan điểm sáng tác.

Tuy nhiên, qua nhiều kỳ triển lãm, cách thức tổ chức, trưng bày bộc lộ hạn chế và thiếu chuyên nghiệp, chỉ phù hợp với các hoạt động phong trào mà không bắt kịp các hoạt động triển lãm điêu khắc chuyên nghiệp.

Vì vậy, triển lãm khó quy tụ các tác giả cũng như tác phẩm tốt, dẫn đến số lượng tác phẩm tham dự không phản ánh đúng thực chất, năng lực điêu khắc hiện nay.

Thời gian trưng bày ngắn hạn khiến các tác phẩm điêu khắc không phát huy được giá trị nghệ thuật.

Đã có những ý kiến của giới trong nghề cho rằng, Hội đồng nghệ thuật và các nhà quản lý hiện tại có độ trễ so với nghệ thuật đương đại trên thế giới, thiếu sự kết nối với các hoạt động đương đại và đội ngũ nghệ sĩ đang sáng tác mạnh mẽ và chuyên nghiệp.

Nhìn vào thực tế hiện nay, nghệ thuật điêu khắc khó "cất cánh" để đến được với công chúng bởi sự quan tâm đến các tác phẩm điêu khắc không nhiều như các ngành nghệ thuật khác.

Gắn với không gian và địa điểm, cho nên các nhà điêu khắc bị hạn chế cơ hội trưng bày, giới thiệu tác phẩm đến với công chúng.

Nhìn vào đời sống sáng tác hiện nay, dù nền mỹ thuật đang sở hữu một lực lượng hùng hậu các nhà điêu khắc dồi dào ý tưởng, đa dạng ngôn ngữ và chất liệu, khao khát và đầy năng lượng khám phá tạo hình, ứng dụng vật liệu linh hoạt với những cái tên như: Trần Văn An, Nguyễn Ngọc Lâm, Phạm Bảo Sơn, Nguyễn Duy Mạnh…, song họ đang không có "đất dụng võ" bởi các tác phẩm không được đưa ra không gian công cộng, không được giới thiệu với công chúng.

Nhìn lại hơn 20 năm về trước, mô hình trại sáng tác điêu khắc được tổ chức đã quy tụ các nhà điêu khắc, là cơ hội các nhà điêu khắc thực hiện tác phẩm điêu khắc ngoài trời.

Tuy nhiên, vốn mang tính phong trào và thiếu tầm nhìn, định hướng lâu dài, cho nên sau thời gian triển lãm, các tác phẩm không phát huy được giá trị.

Cho đến năm 2015, triển lãm điêu khắc toàn quốc được tổ chức tại không gian nghệ thuật Flamingo Đại Lải như một luồng gió mới trong tổ chức trại sáng tác cho nghệ sĩ, tạo nguồn cảm hứng dồi dào để họ sáng tạo.

Những tác phẩm kích thước lớn được đặt, để trong không gian, cảnh quan tự nhiên, giữa núi rừng thiên nhiên đã tôn lên vẻ đẹp cho tác phẩm, mang đến hiệu ứng thị giác đối với công chúng thưởng lãm tác phẩm điêu khắc ngoài trời.

Không gian nghệ thuật Flamingo Đại Lải còn trở thành địa điểm lưu giữ, môi trường sống cho các tác phẩm điêu khắc và kết nối con người với nghệ thuật.

Nhà điêu khắc Trần Trọng Tri, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam nhìn nhận: "Trại sáng tác điêu khắc Flamingo Đại Lải là mô hình phát huy được giá trị tác phẩm, phù hợp để thể hiện tiếng nói của các nhà điêu khắc cũng như những người làm nghề đưa tác phẩm đến công chúng một cách tốt nhất. Nghệ sĩ điêu khắc được thể hiện ý tưởng trọn vẹn, đề xuất chất liệu và kích thước tác phẩm, được đầu tư đầy đủ về nguồn lực và không gian để thực hiện ý tưởng".

Được coi là mô hình tiên phong, tiêu biểu với nguồn lực tư nhân, nhưng mô hình này vẫn khép kín, đặt, để khu biệt và không hướng đến sân chơi công cộng và cộng đồng.

Dẫu vậy, việc gắn kết trại sáng tác điêu khắc trong không gian nghệ thuật như Flamingo Đại Lải hiện nay không nhiều. Để thỏa mãn đam mê với nghệ thuật điêu khắc, các hoạt động điêu khắc chủ yếu diễn ra ở nhóm nhỏ hoặc cá nhân có nguồn lực để thực hiện ý tưởng hơn là các dự án do Nhà nước tổ chức và điều hành.

Xu hướng các nghệ sĩ tự tổ chức trưng bày tác phẩm điêu khắc trong không gian của mình và nghệ sĩ tự tìm không gian đặt, để phù hợp cho tác phẩm điêu khắc bắt đầu diễn ra.

Không gian của kiến trúc sư Phan Phương Đông với tinh thần triết lý tối giản từ kiến trúc đến điêu khắc, một trong số ít không gian kiến trúc và điêu khắc được thiết kế đồng bộ và xuyên suốt. Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh với quan điểm điêu khắc ánh sáng, sử dụng ánh sáng như vật liệu biểu hiện ý đồ và tạo hình.

Một số dự án về điêu khắc của các trung tâm nghệ thuật làm cầu nối giữa nhà điêu khắc với công chúng, đưa các tác phẩm điêu khắc vào không gian gia đình, tuy nhiên tỷ lệ công chúng sở hữu tượng, cụm tượng vô cùng khiêm tốn bởi "không gian sống" vẫn có nhiều hạn chế đối với các tác phẩm này.

Nhìn rộng ra, để có những tác phẩm điêu khắc công cộng phù hợp với không gian sinh hoạt đô thị hiện đại, rất cần có tầm nhìn trong quy hoạch không gian.

Thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, các dự án, sự kiện có thể đưa các tác phẩm điêu khắc ra không gian công cộng, nhưng vấn đề này luôn gặp cản trở hơn so với các địa phương và nhà điêu khắc khó truyền tải tiếng nói của mình đến với công chúng.

Rào cản khác là tính đặc thù của tác phẩm điêu khắc, cần có vị trí đặt, để, không gian trưng bày để phát huy giá trị tác phẩm và bối cảnh để công chúng thưởng lãm, thụ cảm.

Việc đưa tác phẩm điêu khắc vào không gian đô thị là một quá trình lâu dài, bên cạnh nguồn lực tài chính và nhận thức của xã hội, việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ và khả năng tiếp cận nghệ thuật điêu khắc đương đại nói chung cũng cần được cải thiện.

Trong khi đó, triển lãm, trại sáng tác là bệ đỡ cho các tác phẩm điêu khắc đến được với công chúng.

Để có môi trường, tác phẩm và tác giả chuyên nghiệp, cần đội ngũ quản lý có năng lực, tầm nhìn dài hạn mang tính định hướng, có giám tuyển chuyên nghiệp điều phối, dẫn dắt chương trình, có quan điểm nghệ thuật cũng như thái độ tôn trọng nghệ sĩ và tác phẩm.

Bên cạnh đó, là cơ chế xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật, kết hợp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm, chuyên môn nghệ thuật và năng lực tổ chức các sự kiện triển lãm, trưng bày, cũng như tham gia vào quá trình tuyển chọn tác giả, tác phẩm…

Sự cân đối hài hòa giữa sức sáng tạo mạnh mẽ và không gian trưng bày hạn hẹp, với lộ trình phù hợp, con đường của nghệ thuật điêu khắc sẽ tươi sáng hơn.

Nghệ thuật điêu khắc sẽ đến được với công chúng và phát huy trọn vẹn giá trị đối với công chúng.

Tương lai không xa sẽ có những di sản đối với nghệ thuật điêu khắc nói riêng và nền văn hóa mỹ thuật nói chung.