Một cuốn sách với những tác giả đặc biệt

Admin

Một trong những con đường quan trọng để bồi dưỡng tính tích cực, chủ động và năng lực sáng tạo cho sinh viên là khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đi tìm “lời giải” cho quyền lực Mỹ

Những ngày cuối cùng của năm 2023, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và phát hành cuốn sách “Quyền lực Mỹ trong quan hệ ngoại giao: Tiếp cận từ góc độ văn hóa và lịch sử”. Cuốn sách được xuất bản với mong muốn giúp công chúng quan tâm về quan hệ quốc tế hiểu thêm về nhân tố tạo nên sức mạnh của Mỹ, cũng như việc quốc gia này luôn áp dụng mọi biện pháp “mạnh” trong quan hệ đối ngoại qua lăng kính lịch sử và văn hóa nhằm có cái nhìn toàn diện và hệ thống về quyền lực Mỹ.

Câu hỏi xuyên suốt được đặt ra trong cuốn sách là “Tính cách hoặc đặc trưng văn hóa ảnh hưởng như thế nào chính sách mở rộng ảnh hưởng (quyền lực) của Mỹ”. Để trả lời cho câu hỏi này,  nhóm tác giả triển khai ba chương sách chính: (i) Một số vấn đề chung về quyền lực và quyền lực Mỹ; (ii) Văn hoá và quá trình mở rộng quyền lực của Mỹ; (iii) Xu hướng sử dụng quyền lực của Mỹ trong thời gian tới. Bằng cách khám phá những yếu tố này, cuốn sách tạo nên một cầu nối giữa lịch sử, văn hóa và quan hệ đối ngoại của Mỹ, giúp độc giả hiểu rõ hơn về cách Mỹ tạo dựng và duy trì quyền lực của mình trong cộng đồng quốc tế.

Quyền lực Mỹ trong quan hệ đối ngoại: Tiếp cận từ góc độ lịch sử và văn hóa khắc hoạ hình ảnh nước Mỹ qua các giai đoạn lịch sử phát triển thăng trầm, trong đó “quyền lực” luôn song hành với cách thức siêu cường này triển khai quan hệ đối ngoại với thế giới bên ngoài và gần đây được triển khai dưới dạng thức “quyền lực thông minh”. 

Giáo dục - Một cuốn sách với những tác giả đặc biệt

Cuốn sách “Quyền lực Mỹ trong quan hệ ngoại giao: Tiếp cận từ góc độ văn hóa và lịch sử”.

Xét về lịch sử và văn hóa thì đặc trưng văn hóa Mỹ chính là cội nguồn tạo nên cách tiếp cận quyền lực Mỹ mang tính “riêng có”, không đồng nhất với bất kỳ dân tộc nào, vốn là “xuất xứ” của người Mỹ. Bởi đặc trưng văn hóa Mỹ không phải tự nhiên mà có, mà là kết quả của quá trình phát triển lịch sử Mỹ với những tư tưởng văn hóa kế thừa từ châu Âu, kết hợp với những đặc điểm về địa lý, kinh tế Mỹ và những xu thế mới trong xã hội.

Đặc biệt trong chương 2 của cuốn sách, nhóm tác giả nhận định việc sử dụng văn hóa để mở rộng quyền lực là chủ trương nhất quán trong chính sách đối ngoại Mỹ từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy có sự khác biệt về mức độ và cách thức thực hiện, song mục tiêu không thay đổi. Trong chương này, độc giả cũng sẽ được giới thiệu các học thuyết làm cơ sở hình thành “quyền lực văn hoá” của Mỹ như tư duy vận mệnh được định sẵn; thuyết miền biên cương; thuyết phồn vinh; thuyết “nồi hầm nhừ”,.... cùng với đó là những “chiến lược ngoại giao” mang sắc thái Mỹ như “ngoại giao thể thao”, “ngoại giao bóng bàn”,....

Trong tương lai, xu hướng này sẽ tiếp tục được triển khai. Việc mở rộng và phổ biến “giá trị” hay “nguyên tắc” theo tiêu chuẩn Mỹ sẽ gắn liền với sự lớn mạnh về kinh tế, quân sự và chính trị của quốc gia này. Vì vậy trong chương 3, nhóm tác giả đã phân tích triển vọng triển khai các phương thức mở rộng ảnh hưởng của Mỹ (biện pháp ngoại giao, kinh tế, quân sự, công cụ văn hoá).

Cuốn sách hứa hẹn sẽ là một tài liệu tham khảo mang tính hệ thống và tương đối toàn diện về quyền lực Mỹ được xuất bản bằng tiếng Việt, hỗ trợ tích cực cho quá trình giảng dạy, khảo cứu các chuyên đề nghiên cứu về Mỹ hoặc ứng xử của các nước lớn trong dòng chảy quốc tế. Điều này càng có ý nghĩa khi quan hệ quốc tế của Việt Nam ngày càng mở rộng, nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu về Hoa Kỳ trong sinh viên cũng tăng lên.

Cơ hội để những người trẻ đến với khoa học

Không chỉ có giá trị về mặt nội dung, Quyền lực Mỹ trong quan hệ đối ngoại: Tiếp cận từ góc độ lịch sử và văn hóa còn là một cuốn sách đặc biệt bởi chính đội ngũ tác giả và quá trình biên soạn. Bởi lẽ, dưới sự đồng chủ biên của PGS.TS. Đặng Cẩm Tú và GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương là 2 nhà nghiên cứu có uy tín lớn trong ngành quan hệ quốc tế, nhóm tác giả của cuốn sách ngoài 2 Nghiên cứu sinh, còn có 2 cán bộ trẻ và một số sinh viên theo học tại Học viện Ngoại giao.

Cuốn sách được khởi xướng và thực hiện với mong muốn tạo cơ hội để những cán bộ nghiên cứu trẻ, các bạn sinh viên có thể trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, với những sản phẩm cụ thể và có tính giá trị cao.

Giáo dục - Một cuốn sách với những tác giả đặc biệt (Hình 2).

GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương – một trong hai đồng chủ biên cuốn sách.

Là sinh viên năm 3 của ngành Quan hệ Quốc tế, bạn trẻ Phạm Võ Anh Minh cho biết việc được tham gia biên soạn cuốn sách là một cơ hội quý báu khi có thể đóng góp “sức trẻ” vào một công trình nghiên cứu khoa học với sự dẫn dắt của những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm dày dặn.

Dù vậy, với vốn kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu còn hạn chế, Anh Minh tâm sự mình và nhóm tác giả đã gặp phải không ít khó khăn trong việc việc xử lý và sử dụng hợp lý một lượng lớn thông tin từ các nguồn tài liệu để truyền đạt được nội dung, thông điệp mà mình mong muốn vào các phần của cuốn sách và không ít lần đã phải “đập đi xây lại”.

“Để làm nên một quyển sách chuyên khảo đòi hỏi các yêu cầu về nguồn rất là chặt chẽ và đặc biệt với những nguồn nước ngoài sẽ cần tính chọn lọc rất cao, vì chính những yêu cầu này nên em và nhóm tác giả đã dày công để tìm kiếm, chọn lọc và khai thác một cách hợp lý nhất một lượng lớn tài liệu. Việc trực tiếp trải qua và vượt qua những khó khăn này đã cho em những kinh nghiệm và trải nghiệm quý báu trong quá trình tham gia biên soạn cuốn sách và thay đổi cách em học tập và nghiên cứu trên lớp, nghiêm túc và chỉn chu hơn”, sinh viên Nguyễn Hải Yến – một tác giả khác của cuốn sách chia sẻ.

Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình biên soạn, nhưng một trong những nhân tố quan trọng để các bạn sinh viên có thể vượt qua được những giới hạn của bản thân trong khả năng nghiên cứu chính là sự hướng dẫn và đồng hành xuyên suốt của các nhà nghiên cứu thực thụ.

“Thuận lợi lớn nhất của chúng em là việc được những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu dẫn dắt và có một nhóm đồng nghiệp giàu sức trẻ, luôn sẵn lòng hỗ trợ, cho mình những lời khuyên tốt nhất. Em đã lĩnh hội được rất nhiều điều không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn về phong cách và kỹ năng làm việc. Việc được cùng các thầy cô và các anh chị thực hiện cuốn sách này không chỉ là một niềm vinh hạnh mà còn là một cơ hội lớn để mình học hỏi từ thế hệ đi trước”, bạn Đinh Phương Thu – một sinh viên năm thứ 3 bộc bạch.

Cũng bày tỏ sự trân trọng khi được tham gia cuốn sách, bạn sinh viên Bùi Minh Hiếu cho biết đây sẽ là ký ức sẽ không bao giờ phai trong những năm tháng sinh viên. “Cuốn sách được xuất bản, đối với em là dấu mốc cuộc đời. Em hi vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều dề tài nghiên cứu khoa học mà các bạn sinh viên được tham gia và góp sức mình vào đó. Được làm việc trong môi trường nghiên cứu nghiêm túc, em đã rèn được cho bản thân ý chí “thép” để có thể đương đầu với mọi thách thức sẽ gặp trong tương lai”, Hiếu nói.

Giáo dục - Một cuốn sách với những tác giả đặc biệt (Hình 3).

Bạn trẻ Vũ Thị Hoài, hiện đang là cán bộ nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao.

Điều đáng nói, chính từ những bài học và trải nghiệm quý báu từ việc biên soạn cuốn sách đã tạo nguồn cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh cho các bạn trẻ mạnh dạn đi theo con đường nghiên cứu. Vũ Thị Hoài, một cán bộ trẻ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao cho biết nhờ việc tham gia viết cuốn sách Quyền lực Mỹ trong quan hệ đối ngoại: Tiếp cận từ góc độ lịch sử và văn hóa giúp Hoài có một cách tiếp cận mới, toàn diện hơn về nghiên cứu Mỹ, thông qua lăng kính của các yếu tố lịch sử và văn hóa. 

Tác giả này cũng tiết lộ từ những vấn đề mà cuốn sách đề cập cho thấy vẫn còn nhiều khía cạnh có thể khai thác, đào sâu thêm đồng thời cho biết sẽ cố gắng mở rộng thêm nghiên cứu, theo dõi phản hồi về cuốn sách để bổ sung thêm nội dung.

Cũng cảm thấy được tiếp sức, cán bộ trẻ Tống Nguyễn Hà My cho biết, bên cạnh việc học được rất nhiều về mặt chuyên môn, kiến thức cũng như kỹ năng và thái độ làm việc, việc tham gia vào dự án sách đã truyền cho My rất nhiều cảm hứng cho công việc nghiên cứu khoa học nói riêng, và các công tác liên quan tới quan hệ quốc tế nói chung.

“Em dự định sẽ tiếp tục theo đuổi các công việc liên quan tới lĩnh vực đối ngoại, và sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể tham gia vào các dự án khác trong tương lai”, My khẳng định.

Người trẻ cần cơ hội để rèn luyện và thể hiện khả năng

Chia sẻ với Người Đưa Tin, GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, một trong hai đồng chủ biên cuốn sách Quyền lực Mỹ trong quan hệ đối ngoại: Tiếp cận từ góc độ lịch sử và văn hóa cho biết đây là dự án mà cô đã ấp ủ từ lâu, về cả mặt nội dung và quá trình thực hiện.

“Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ học đã trở thành một lĩnh vực được nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo bậc Đại học và trong các trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam. Do đó, việc có một hệ thống đa dạng các tài liệu tham khảo chất lượng về Hoa Kỳ bằng tiếng Việt là điều rất quan trọng. Mặc dù được biên tập cẩn thận, cuốn sách vẫn khó tránh có những điểm khiếm khuyết, nhóm tác giả sẵn sàng tiếp thu các ý kiến phản hồi để lần tái bản tiếp theo có chất lượng tốt hơn.

Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy các bạn sinh viên hoàn toàn có thể “làm được một điều gì đó” nếu được dẫn dắt bởi sự tâm huyết và kiên nhẫn. Người trẻ luôn cần được tạo cơ hội để rèn luyện khả năng và thể hiện bản thân. Tôi mong rằng việc tham gia cuốn sách này sẽ giúp các bạn trẻ có những trải nghiệm đáng nhớ, học hỏi được thêm những kỹ năng và nhất là có thêm niềm tin vào những điều mình có thể làm”, GS. Nguyễn Thái Yên Hương nói.

Đăng Minh