Một huyện miền núi biên giới có KCN cảng biển thu đầu tư hơn 76.000 tỷ đồng, 13.800 người có việc làm

Admin

Đây là một vùng đất có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng đối với Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Hải Hà là một huyện miền núi nằm ở phía đông của tỉnh Quảng Ninh, nằm trên Quốc lộ 18 nối cửa khẩu Móng Cái với thành phố Hạ Long, có 35 km bờ biển và nhiều cửa sông, có cửa khẩu Bắc Phong Sinh với Trung Quốc.

Hải Hà có vị trí địa lý rất thuận lợi trong mối quan hệ giao lưu kinh tế về dịch vụ, du lịch với Trung Quốc, đặc biệt với các vùng lãnh thổ, các đặc khu kinh tế như: HongKong, Thẩm Quyến, Ma Cao và các khu kinh tế khác như Tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Hải Hà đã thu hút được rất nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, huyện Hải Hà đã thu hút thêm 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với số vốn đăng ký hơn 387,2 triệu USD, nâng tổng số lên thành 25 doanh nghiệp FDI đầu tư tại KCN Cảng biển Hải Hà, với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD (hớn 76.000 tỷ đồng).

Một huyện miền núi biên giới có KCN cảng biển thu đầu tư hơn 76.000 tỷ đồng, 13.800 người có việc làm- Ảnh 1.

Quảng Ninh có nhiều khu công nghiệp lớn.

Cụ thể là Dự án đầu tư Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Công ty Gokin Solar (HongKong - Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 2/2024, có diện tích quy hoạch 7ha, tổng mức đầu tư 275 triệu USD, công suất thiết kế gần 1,4 tỷ sản phẩm/năm. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành các hạng mục đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động trong tháng 10/2025. Đây là dự án quan trọng, góp phần đưa Hải Hà trở thành một trong những trung tâm sản xuất tấm quang năng lớn của tỉnh cũng như cả nước.

Trong tháng 2/2024, dự án sản xuất găng tay bảo hộ lao động đa chức năng Hằng Huy do Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hằng Huy (HongKong - Trung Quốc) làm chủ đầu tư cũng đã được khởi công. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 41 triệu USD, công suất thiết kế tương đương 6.080 tấn sản phẩm/năm, nhu cầu lao động khoảng 635 người.

Vào tháng 3/2024, tại KCN Cảng biển Hải Hà đã diễn ra lễ cắt băng khánh thành Công ty TNHH Ecotextile (Việt Nam) thuộc Tập đoàn Texwinca Hồng Kông (Trung Quốc) chuyên sản xuất nhuộm và kinh doanh hàng dệt kim, giai đoạn 1 có sản lượng 100 tấn/ngày, giai đoạn 2 đang trong quá trình chuẩn bị với mục tiêu sản lượng 180 tấn/ngày.

Tháng 7/2024, Công ty TNHH Dệt may Black Peony (BP) Việt Nam tổ chức lễ khởi động dự án dệt may với tổng vốn đầu tư 71,4 triệu USD trên diện tích mặt bằng sử dụng 12,24ha, công suất thiết kế tương đương với 9.900 tấn/năm, trang phục 20.000 sản phẩm/năm, nhu cầu lao động khoảng 800 người.

Một huyện miền núi biên giới có KCN cảng biển thu đầu tư hơn 76.000 tỷ đồng, 13.800 người có việc làm- Ảnh 2.

Các doanh nghiệp đang khẩn trương đầu tư các hạng mục công trình tại KCN Cảng biển Hải Hà. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.

Hiện nay, KCN Cảng biển Hải Hà đã thu hút được 25 dự án FDI thứ cấp với tổng số vốn đầu tư đã đăng ký trên 3 tỷ USD, tạo việc làm cho 13.800 lao động. Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đạt 64,48%.

UBND huyện Hải Hà đang tập trung hoàn thiện công tác GPMB phân kỳ 1.5 nằm trong quy hoạch KCN Cảng biển Hải Hà giai đoạn 1 với diện tích quy hoạch 136,9ha để tạo quỹ đất sạch thu hút các chủ đầu tư, phát triển các dự án mới trên địa bàn.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, huyện Hải Hà chú trọng tăng cường chỉ đạo, điều hành về thu hút đầu tư, tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị công. Cùng với đó, huyện duy trì hoạt động gặp gỡ trực tiếp qua hình thức "Cà phê doanh nhân", hội nghị đối thoại định kỳ hằng quý.

Cùng với đó, huyện Hải Hà đang chú trọng triển khai các dự án đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... để tăng sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư.