Mỹ ký sắc lệnh bảo đảm quyền riêng tư đối với dữ liệu của EU

Vũ Xuân Kiên

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh bảo vệ quyền riêng tư đối với dữ liệu cá nhân của người dân EU và cam kết sẽ tăng cường các biện pháp chống lại việc lạm dụng thu thập dữ liệu người dùng.

Ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm thực hiện khung truyền dữ liệu giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), xoa dịu quan ngại của đối tác rằng các cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi người dân châu lục này một cách bất hợp pháp.

joe-biden-1665196983.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Getty Images)

Sắc lệnh này được xây dựng trên một thỏa thuận sơ bộ mà Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố hồi tháng Ba vừa qua nhằm chấm dứt tranh cãi nhiều năm qua về đảm bảo an toàn dữ liệu của công dân EU mà các công ty công nghệ đang lưu trữ tại Mỹ.

Trong sắc lệnh trên, Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tăng cường các biện pháp chống lại việc lạm dụng thu thập dữ liệu và tạo ra một diễn đàn về các quy định pháp lý.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết sắc lệnh Bảo vệ quyền riêng tư này “bao gồm cam kết mạnh mẽ nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư và tự do dân sự" và "điều này sẽ đảm bảo tính riêng tư đối với dữ liệu cá nhân của người dân EU."

Theo bà, “sắc lệnh yêu cầu thiết lập một cơ chế bồi thường đa tầng với thẩm quyền độc lập và mang tính ràng buộc để mỗi người dân EU có thể yêu cầu bồi thường nếu cho rằng mình bị các hoạt động tình báo của Mỹ nhắm mục tiêu một cách bất hợp pháp."

Người dân EU có thể kiến nghị lên Tòa án Bảo vệ dữ liệu - một tòa án có thành viên là các thẩm phán không thuộc Chính phủ Mỹ.

Mỹ và EU lâu nay vẫn mâu thuẫn, khi các quy tắc bảo mật kỹ thuật số khá nghiêm ngặt tại EU, còn tại Mỹ lại tương đối lỏng lẻo.

Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới những "gã khổng lồ" trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả Google và Meta - công ty mẹ của Facebook, đồng thời làm gia tăng những ý kiến cho rằng các công ty công nghệ Mỹ có thể cần phải lưu trữ dữ liệu về người dùng EU ở địa điểm khác, ngoài nước Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ đã gửi thư tới 27 nước thành viên EU, theo đó các quan chức có thể đánh giá về sắc lệnh mới này.

Bộ trưởng Raimondo cho biết các cam kết đưa ra trong sắc lệnh sẽ dẹp bỏ những quan ngại pháp lý của EU về việc chuyển dữ liệu cá nhân, cũng như hợp đồng của các công ty sang Mỹ.

Bà nhấn mạnh điều này “sẽ giúp duy trì dòng dữ liệu - vốn là nền tảng tạo nên hơn 1.000 tỷ USD thương mại và đầu tư xuyên biên giới mỗi năm”./.