Nắm bắt lợi thế, ngành càphê Việt Nam chinh phục kỷ lục mới

Vũ Xuân Kiên

Thế giới thiếu hụt nguồn cung, trong khi mùa vụ thu hoạch càphê Việt Nam đang tới gần với sản lượng khá, dự báo xuất khẩu cà phê năm nay của Việt Nam có thể thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

0311caphe1-1667445000.jpg
Phát lệnh xuất khẩu lô cà phê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Bất chấp lạm phát, khó khăn trong thương mại, xuất khẩu càphê Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tốt.

Thế giới đang thiếu hụt nguồn cung, trong khi mùa vụ thu hoạch càphê Việt Nam đang tới gần với sản lượng dự kiến tăng khá, cùng với sự nắm tốt cơ hội từ thị trường, dự báo xuất khẩu càphê năm nay của Việt Nam có thể thiết lập được mốc kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu càphê trong 9 tháng đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đặc biệt là sự tăng trưởng này có sự đóng góp của giá xuất khẩu với mức tăng gần 22% và đạt trung bình khoảng 2.280 USD/tấn.

Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu trong 8 tháng, đạt gần 490.700 tấn với giá trị 1,1 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng trên 27% về lượng và trên 54% về giá trị.

Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, tại EU, lượng càphê của Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường như Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Bồ Đào Nha… tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Bất chấp lạm phát chạm đỉnh 20 năm, xuất khẩu càphê sang EU vẫn tăng trưởng tốt.

Điều này là do càphê là mặt hàng thiết yếu, một thức uống không thể thiếu của các nước phương Tây. Mặt khác, lợi thế thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu càphê vào thị trường này.

Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Phúc Sinh, khi đây là mặt hàng thiết yếu đối với nhiều nước thì cũng giống như lương thực, dù khó khăn thế nào thì nhu cầu vẫn cần được đáp ứng. Điều đó đã thúc đẩy tăng trưởng mặt hàng này.

Bên cạnh EU, lượng càphê xuất khẩu sang các thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng như Nga tăng 17,3%, Anh tăng 57,9%, Ấn Độ tăng 116% và Mexico tăng đột biến gấp 52 lần cùng kỳ.

Nhìn chung, xuất khẩu càphê sang các thị trường lớn đều tăng do nhu cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19, trong khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn.

Đáng chú ý, Anh đang là thị trường tiêu thụ càphê lớn thứ 5 châu Âu, sau Đức, Italy, Pháp và Tây Ban Nha. Thị phần càphê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh tăng mạnh từ 16,33% trong 6 tháng năm 2021 lên 29,92% trong 6 tháng năm 2022.

Riêng trong 8 tháng năm 2022, xuất khẩu càphê của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 34,68 nghìn tấn, trị giá 70,68 triệu USD, tăng 57,9% về lượng và tăng 84,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) sẽ là đòn bẩy gia tăng kim ngạch xuất khẩu càphê sang thị trường Anh thời gian tới.

Ngay tại Mỹ, quốc gia với nhiều quan ngại về lạm phát vẫn có nhu cầu cao về càphê. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, 6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu càphê của Mỹ đạt 833,96 nghìn tấn, trị giá 4,68 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và tăng 51,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá nhập khẩu bình quân càphê của Mỹ đạt mức 5.615 USD/tấn, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Về nguồn cung, Mỹ tăng nhập khẩu càphê từ các nguồn cung chính Colombia, Việt Nam, Guatemala nhưng giảm nhập khẩu từ Brazil và Honduras.

Tại thị trường Trung Quốc, càphê hòa tan, càphê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Nhu cầu tiêu thụ càphê tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ trung bình 15%/năm vì nhu cầu thưởng thức càphê của người dân tăng.

Theo ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Càphê Ca cao Việt Nam, trong khi các thị trường khác chủ yếu nhập khẩu càphê nhân, thô thì Trung Quốc lại có xu hướng nhập khẩu các sản phẩm càphê hòa tan, chế biến sâu. Do đó, doanh nghiệp Việt có thể tập trung vào phân khúc này để nâng cao giá trị gia tăng.

Sự tăng trưởng trong xuất khẩu càphê được ông Phan Minh Thông chia sẻ là còn do bởi trong niên vụ 2021/2022, nguồn cung thấp hơn cầu. Nhà cung ứng càphê đứng đầu thế giới là Brazil có sản lượng càphê giảm.

Hiệp hội Xuất khẩu càphê Brazil (Cecafe) dự báo dự trữ càphê của nước này chỉ đạt 7 triệu bao loại 60kg vào tháng 3/2023 và là mức thấp kỷ lục tại cường quốc số một thế giới về sản xuất càphê này.

0311caphe2-1667445000.jpg
Nông dân Đắk Nông liên tục ứng dụng công nghệ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, vườn cây luôn được phủ bóng, và thu hoạch quả chín từ 80%-100% để nâng cao chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Nguyên Dung/TTXVN)

Trong khi đó, Việt Nam chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch càphê niên vụ 2022-2023, ông Phan Minh Thông nhận định niên vụ này sản lượng càphê có thể tăng 10%. Bản thân doanh nghiệp sẽ có sản lượng tăng 40% so với năm 2021 nhờ phát huy hiệu quả toàn bộ diện tích sản xuất.

Nhìn về sản xuất càphê trong nước, năng suất càphê Việt Nam từ 23,5 tạ/ha năm 2011 lên 28,2 tạ/ha năm 2021 và sản lượng tăng từ 1,27 triệu tấn năm 2020 lên 1,81 triệu tấn năm 2021. Hiện năng suất càphê của Việt Nam cao gấp hơn 3 lần (2,8 tấn/ha) so với năng suất càphê trung bình của thế giới (0,8 tấn/ha).

Có được kết quả trên bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện có hiệu quả Đề án tái canh càphê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020. Nhờ đó, nhiều diện tích càphê già cỗi trên 30 năm, năng suất thấp, trồng chủ yếu từ các giống càphê thực sinh đã được thay thế bằng giống mới cho năng suất cao, góp phần vào chương trình phát triển càphê bền vững.

Tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường, ông Phan Minh Thông cho biết doanh nghiệp xác định sản xuất và xuất khẩu sản phẩm càphê theo hướng bền vững với các chứng nhận quốc tế. Với xu hướng tiêu dùng thế giới về các sản phẩm bền vững nên việc sản xuất theo hướng này sản phẩm sẽ dễ dàng được thị trường đón nhận.

“Nhu cầu thị trường sản phẩm bền vững tăng trưởng mạnh, thậm chí 100% mỗi năm, nên đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu càphê nói riêng và nông sản nói chung,” ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Riêng với Phúc Sinh, hiện doanh nghiệp đang liên kết với 8.000 nông hộ và tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất để trong 2 năm tới sẽ tăng sản lượng từ 80-100% so với hiện tại.

Từ thành công trong tái canh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phê duyệt Đề án tái canh càphê giai đoạn 2021-2025.

Đề án tái canh càphê giai đoạn 2021-2025 không chỉ thực hiện ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà còn được mở rộng ở các tỉnh càphê khác như Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Năng suất vườn càphê sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết những diện tích càphê già cỗi bắt buộc phải tái canh cần xác định rõ có thể tái canh ngay. Các địa phương cần rà soát, phân loại, xác định diện tích càphê già cỗi của từng hộ để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để nhân nhanh các giống mới đưa vào tái canh./.