Năm “nước rút” để trả lời câu hỏi: Học xong chương trình, học sinh làm được gì?

Admin

Năm 2024 sẽ là năm thấy được những kết quả bước đầu của công cuộc đổi mới mà toàn ngành giáo dục đã bền bỉ thực hiện trong những năm vừa qua.

Năm 2018, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới được ban hành, từ năm học 2019-2020 việc triển khai chương trình, sách giáo khoa bắt đầu từ lớp 1, đến năm học 2023-2024 chương trình mới được triển khai ở cùng với cả nước, chương trình tiếp tục được áp dụng ở các lớp 4, 8, 11.

Sang năm 2024 sẽ là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt việc triển khai Chương trình GDPT 2018 ở tất cả các khối lớp.

Theo đó, Chương trình 2018 đòi hỏi học sinh phải tự học nhiều hơn, có nhiều nhiệm vụ hơn yêu cầu vận dụng kiến thức vào cuộc sống, nhất là cuộc sống hàng ngày tại gia đình và cộng đồng.

Ngoài học theo nội dung, yêu cầu của chương trình, học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động để vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Với cấp THPT, học sinh có quyền lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Chương trình giáo dục chia ra 2 giai đoạn sẽ định hướng và cho phép học sinh lựa chọn nghề nghiệp ngay từ những năm học ở cấp THCS.

Giờ đây, nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là "học liệu" (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học; dạy học theo nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình; mỗi môn học có nhiều sách giáo khoa.

Một chương trình, nhiều sách giáo khoa là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ "truyền thụ kiến thức" sang dạy học "phát triển năng lực".

Rất nhiều công việc ngành giáo dục phải triển khai

Giáo dục - Năm “nước rút” để trả lời câu hỏi: Học xong chương trình, học sinh làm được gì?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018 (Ảnh: Hữu Thắng).

Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018 đánh giá nước ta từng thực hiện 3 cuộc Cải cách giáo dục (1950, 1956, 1979) và 2 lần Đổi mới chương trình GDPT (2002, 2018). 3 cuộc cải cách giáo dục phải theo kịp sự thay đổi lớn lao bởi bối cảnh, không có đủ thời gian biên soạn chương trình mà chỉ sửa đổi chương trình trước đó. Chỉ có 2 lần Đổi mới xây dựng được chương trình GDPT. 

Tuy nhiên, cả 3 lần cải cách giáo dục và lần đổi mới năm 2002, chương trình học tập đều theo định hướng tiếp cận nội dung, tức là loại chương trình tập trung trả lời cho câu hỏi:  “Học xong chương trình, học sinh biết được gì?”. Còn Chương trình GDPT năm 2018 là chương trình theo định hướng tiếp cận năng lực, tập trung trả lời cho câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được gì?”.

Năm học 2024-2025 là năm Chương trình GDPT 2018 được triển khai đầy đủ ở tất cả 3 cấp. Chúng ta có thể kỳ vọng thấy được kết quả ban đầu, đánh giá được: So với chương trình theo định hướng tiếp cận nội dung, học sinh có những tiến bộ gì? Đồng thời, chúng ta cũng có điều kiện nhìn nhận những hạn chế để tiếp tục hoàn thiện chương trình và việc triển khai chương trình.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết coi đây mới chỉ là đánh giá bước đầu, vì chúng ta mới chỉ hoàn thành việc biên soạn, triển khai sách giáo khoa ở tất cả các khối lớp. Phải đến năm 2032 mới có lứa học sinh học trọn vẹn chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 12.

Giáo dục - Năm “nước rút” để trả lời câu hỏi: Học xong chương trình, học sinh làm được gì? (Hình 2).

Nhiều thay đổi trong Chương trình GDPT 2018 (Ảnh: Hữu Thắng).

“Điều thứ 2 chúng tôi mong muốn là Nghị quyết 29 của TW, các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa và Luật Giáo dục được thực hiện triệt để. Cần có sự vào cuộc sát sao từ cơ quan lãnh đạo cho đến đội ngũ cán bộ, giáo viên.

Đặc biệt, chúng tôi mong muốn các địa phương chủ động, tích cực hơn nữa trong việc chỉ đạo đổi mới, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất, đảm bảo quyền lợi của con em người dân”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.

Cuối cùng, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018 cho rằng dù làm việc gì cũng cần có sự ủng hộ, đồng lòng từ phía người dân. Ngành giáo dục phải lắng nghe góp ý, phê bình của xã hội nhưng ngược lại, chúng ta cũng cần tìm hiểu lý luận và thực tế để đánh giá đúng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Bởi không có sự đồng thuận, thấu hiểu thì sự nghiệp đổi mới rất khó thành công.

“Về góc độ chuyên môn, vai trò, vị trí của các nhà giáo rất quan trọng. Đây là năm bản lề để học sinh chuẩn bị cho những kỳ thi cuối cấp. Tôi mong các thầy cô, nhà trường đặc biệt quan tâm nghiên cứu chương trình, nắm chắc yêu cầu cần đạt (chuẩn) của chương trình để hoàn thiện phẩm chất, phát triển năng lực cho học sinh.

Với cách kiểm tra, đánh giá mới, đề thi sẽ không dựa vào ngữ liệu của bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Nhiệm vụ của học sinh là phải rèn luyện phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu cần đạt của chương trình. Như vậy mới có thể vượt qua được các kỳ thi quan trọng sắp tới”, Tổng Chủ biên bày tỏ.

Tạo được niềm tin cho đội ngũ giáo viên

Giáo dục - Năm “nước rút” để trả lời câu hỏi: Học xong chương trình, học sinh làm được gì? (Hình 3).

Cô giáo Phạm Thị Liên – Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang

Là giáo viên bộ môn có nhiều thay đổi về hình thức thi trong Chương trình GDPT 2018, cô giáo Phạm Thị Liên – Tổ trưởng bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang nhìn nhận từ khi được giảng dạy chương trình mới, phần lớn các thầy cô giáo đều phấn khởi và có niềm tin vào sự đổi mới của ngành giáo dục.

Với việc hướng đến sự phát triển năng lực của học sinh, các em ngoài được học đầy đủ kiến thức trọng tâm, thiết kế chương trình còn cung cấp những các kỹ năng thực tế, áp dụng được trong cuộc sống.

“Đặc biệt, phương pháp dạy học theo dự giúp học sinh phát triển toàn diện những phẩm chất mà ở chương trình trước đây chúng ta ít tập trung vào. Nội dung giảng dạy hiện nay có sự phân hoá năng lực học sinh. Tôi tin tưởng và kỳ vọng sang năm 2024 khi có kết quả của những lứa học sinh mới ra trường của chương trình GDPT mới chúng em sẽ có những đánh giá, nhìn nhận khác quan hơn. Các em học sinh sẽ có đủ kiến thức đáp ứng nhu cầu hiện nay”, cô giáo Phạm Thị Liên bày tỏ.

Vị giáo viên cũng mong muốn nhà trường cần quan tâm hơn trong việc tổ chức thực hiện các tiết trải nghiệm, thúc đẩy tinh thần học tập trong mỗi học sinh để các em chủ động, nắm rõ tầm quan trọng của việc học. Có sự đồng thuận, ủng hộ, chung tay, tạo điều kiện học tập ở tất cả các cấp, các ngành.

Đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu thì đổi mới giáo dục đạt được đến đó

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá: "Đổi mới mang theo những thách thức đối với cái cũ, tư duy cũ, quan niệm cũ và sức ì. Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Đổi mới không chỉ liên quan đến học sinh, giáo viên mà còn cần sự ủng hộ của phụ huynh, xã hội. Công cuộc đổi mới có rất nhiều thay đổi và khi một phần không nhỏ trong xã hội chưa hiểu hết những thay đổi đó sẽ dễ dẫn đến kêu ca, phàn nàn, chưa hoàn toàn tin tưởng vào định hướng đổi mới. Đây là thách thức, cần phải tạo sự đồng thuận nhiều hơn từ phía xã hội, nhân dân, phụ huynh để tất cả cùng đồng hành, chia sẻ với ngành giáo dục.

Đối với lực lượng nhà giáo, tôi cho rằng mức độ đổi mới của nhà giáo đạt được đến đâu thì đổi mới giáo dục đạt được đến đó. Một trong những khó khăn đó là các cách làm cũ vốn đã định hình và ăn sâu vào thói quen giảng dạy mà không phải tất cả giáo viên đều sẵn sàng đổi mới mình để thích nghi với công việc mới cần làm theo yêu cầu của sự đổi mới. Để khắc phục cần có sự nỗ lực, quyết tâm, chia sẻ rất lớn từ đội ngũ các nhà giáo".