Sáng 12-10, Hội thảo Khoa học "Thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong sinh viên (SV), nâng tầm Giải thưởng SV nghiên cứu khoa học - Euréka" tổ chức tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM đã thu hút hàng trăm SV, giảng viên, chuyên gia khoa học cả nước đến tham dự, đóng góp nhiều ý kiến thấu đáo để nâng chất lượng nghiên cứu khoa học của SV.
Bàn về việc thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của SV, các chuyên gia cho rằng chỉ kêu gọi SV tham gia nghiên cứu đơn thuần là chưa đủ, cần nhiều hoạt động thực tế để tăng cường sự hứng thú của SV. PGS-TS Trần Minh Triết, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên nói cần khuyến khích SV tham gia những buổi hội thảo quốc tế, cuộc thi khoa học, chương trình hỗ trợ học sinh, SV nghiên cứu khoa học. "Hội thảo đang nói về công nghệ, nghiên cứu khoa học, vậy tại sao chúng ta không áp dụng công nghệ vào nghiên cứu khoa học để thấy được hiệu quả thực tế?" - PGS- TS Trần Minh Triết đặt vấn đề.
Nghiên cứu khoa học cho sinh viên cần được hỗ trợ để ứng dụng vào thực tiễn
Trung tá - TS Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường ĐH An ninh Nhân dân, cho rằng hướng dẫn SV nghiên cứu khoa học là quá trình rất dài, không nhất thiết phải là đề tài lớn lao mới gọi là nghiên cứu khoa học. Là người thường xuyên hướng dẫn SV nghiên cứu khoa học và tham gia nhiều hội đồng chấm thi, TS Lâm chia sẻ thực trạng hiện nay vẫn còn nhiều công trình nghiên cứu khoa học chưa đồng nhất tác giả/ nhóm tác giả nghiên cứu. "Công trình nghiên cứu của SV là của SV. Công trình nghiên cứu của giảng viên là của giảng viên. Không thể dùng công trình của giảng viên để đưa SV dự thi và ngược lại" - TS Lâm nhấn mạnh.
Đến nay, Giải thưởng SV nghiên cứu khoa học - Euréka đã có hành trình dài 25 năm. Ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ TP HCM, cho biết số lượng đề tài dự thi năm nay lên tới 1.509 đề tài từ 134 trường ĐH, CĐ, học viện trong cả nước.
TS Lâm đưa ra 3 đề xuất nhằm nâng tầm chất lượng của Giải thưởng SV nghiên cứu khoa học - Euréka nói riêng và các cuộc thi khoa học toàn quốc nói chung. Đó là lựa chọn, sàng lọc giảng viên có kinh nghiệm tham gia hội đồng chấm thi; đa dạng hóa các hình thức tổ chức, chú ý những cuộc thi mang tính chuyên biệt, nghiên cứu gắn với những nội dung cụ thể được thành phố "đặt hàng"; công khai các sản phẩm nghiên cứu đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Chia sẻ về số tiền đầu tư, hỗ trợ SV nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Thu Hường, Phó trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác phát triển, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, cho biết trong vòng 5 năm, trường đã tài trợ hơn 1 tỉ đồng. Trong đó, năm 2023 có kinh phí tài trợ cao nhất là 260 triệu đồng cho 24 đề tài được ký hợp đồng. Các đại biểu cũng đề xuất các trường ĐH, học viện cần dành nguồn đầu tư có hiệu quả vào những dự án nghiên cứu của SV có tính ứng dụng cao.