Nga thông báo sẽ thành lập sàn giao dịch kim loại riêng cho BRICS, dự định trở thành 'cơ quan quản lý giá cả chính' với các loại hàng hoá quan trọng

Admin

Bộ Tài chính Nga mới đây cho biết việc tạo ra một cơ chế giao dịch kim loại quý giữa các nước BRICS sẽ giúp quá trình cạnh tranh trở nên công bằng.

Nga đã đề xuất với các nước thành viên BRICS về việc thành lập một sàn giao dịch kim loại quý của riêng khối này. Theo Kitco News, động thái này có thể thay đổi hoàn toàn các cơ chế định giá lâu đời đối với vàng, bạc, bạch kim và các kim loại quý khác.

Thông tin này xuất hiện sau thông báo hôm 23/10 từ nhà lãnh đạo của các quốc gia BRICS. Nhóm ủng hộ việc thúc đẩy hoạt động giao dịch kim loại quý giữa các nước thành viên dựa trên tiêu chuẩn chất lượng chung.

Hôm 24/10, Bộ Tài chính Nga cũng có thông báo riêng. Theo hãng tin Oreanda của Nga, cơ quan này cho biết: "Việc thành lập một cơ chế giao dịch kim loại giữa các nước BRICS sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng và bình đẳng dựa trên các nguyên tắc trao đổi."

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay: "Cơ chế này sẽ bao gồm việc tạo ra các công cụ chỉ báo giá đối với các loại kim loại, các tiêu chuẩn sản xuất và giao dịch vàng, nhận diện các bên tham gia thị trường, hoạt động thanh toán bù trừ và kiểm toán đối với các nước BRICS."

Siluanov nói thêm, Nga kỳ vọng Sàn giao dịch kim loại quý BRICS "sẽ trở thành cơ quan quản lý chính về giá kim loại quý".

Andy Schectman, Chủ tịch và nhà điều hành của quỹ Miles Franklin Precious Metals, nhận định hội nghị thượng đỉnh BRICS trong tuần này có thể đẩy nhanh quá trình tái thiết lập hệ thống tài chính toàn cầu, có thể khiến vàng được đẩy giá lên tới 150.000 USD/ounce.

Theo một báo cáo, đồng tiền chung của khối có thể sẽ neo 40% vào giá trị của vàng và 60% vào rổ tiền tệ của các quốc gia BRICS. Ngoài ra, đồng tiền này cũng hoạt động một cách "phi chính trị", giải quyết được mối lo ngại của các nước thành viên về việc Mỹ "vũ khí hóa" đồng USD.

Schectman cho biết: "Tôi gọi đó là sự tăng tốc của xu hướng phi đô la hóa để hướng tới một hệ thống mới. Và hệ thống này sẽ được hỗ trợ bởi vàng."

Các quốc gia thành viên BRICS và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã nắm giữ vàng ở mức gần kỷ lục trong nhiều năm qua. Ngoài ra, các ngân hàng trung ương cũng đã tăng tỷ trọng của vàng trong kho dự trữ.

Schectman chỉ ra, chỉ cần thực hiện lệnh tìm kiếm đơn giản trên Google, chúng ta sẽ thấy hàng loạt các ngân hàng trung ương đang "rút vàng về" từ Ngân hàng Anh (BOE), Cục dự trữ Liên bang Fed New York, bao gồm Đức, Áo, Slovakia, Argentina, Hà Lan, Ả Rập Xê Út, Hungary, Bỉ, Ai Cập, Ấn Độ, Pháp và nhiều quốc gia khác. Theo ông, các ngân hàng trung ương đang tập trung phát triển một đồng tiền số neo giá theo vàng, chứ không phải tìm cách vũ khí hoá trái phiếu chính phủ.

Schectman đã phác thảo 4 kịch bản về cách thức hệ thống tài chính toàn cầu có thể được thiết lập lại, một trong số đó liên quan đến việc xác định lại giá vàng. Ông giả sử lượng vàng nằm giữ của Mỹ vượt 8.000 tấn và vàng được định giá lại ở mức bảng cân đối kế toán cân bằng với các khoản nợ phải trả và có giá trị cao hơn mức tài sản hiện tại. Nếu vàng ở mức 150.000 USD/ounce, thì bảng cân đối kế toán sẽ hoàn toàn "lành mạnh".

Ông nói thêm, các ngân hàng có tỷ lệ đòn bẩy quá lớn và thiếu vốn, các công ty bảo hiểm, thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán lao dốc sẽ được giải quyết bằng việc phát hành đồng CBDC neo theo vàng.