Nga và Ả Rập Xê Út sắp bị quốc gia này 'vượt mặt' với sản lượng dầu dự kiến đạt kỷ lục, bơm ra thị trường hơn 12 triệu thùng mỗi ngày

Admin

Sản lượng dầu thô của quốc gia này dự kiến sẽ tăng 850.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 12,76 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Theo báo cáo hàng tháng của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Ba (8/8), năng suất giếng cao hơn dự kiến và giá dầu thô tăng sẽ thúc đẩy sản lượng của Mỹ lên mức kỷ lục 12,8 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng so với dự báo 12,6 triệu thùng/ngày trước đó. Mỹ sản xuất trung bình khoảng 11,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022.

Sản lượng bổ sung của Mỹ sẽ giúp cung cấp cho thị trường vốn đã thắt chặt sau khi Tổ chức OPEC+ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá. Ả Rập Xê Út gần đây đã gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa, khiến sản lượng nước này xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Sản xuất ở cả Mỹ và toàn cầu được dự báo sẽ tăng hơn nữa trong năm tới. EIA cho biết, sản lượng dầu thế giới sẽ tăng lên 103 triệu thùng/ngày vào năm 2024, tăng 1,7 triệu thùng/ngày so với năm nay. Hơn 70% mức tăng trưởng đó dự kiến sẽ đến từ các quốc gia ngoài OPEC, dẫn đầu là Mỹ, Brazil, Canada, Guyana và Na Uy. Sản lượng của Mỹ sẽ tăng lên 13,1 triệu thùng/ngày vào năm tới.

Trong khi đó, tiêu thụ các sản phẩm tinh chế của Mỹ trong năm nay sẽ thấp hơn so với dự kiến trước đó. Quốc gia này sẽ sử dụng nhiên liệu máy bay ít hơn 4% trong quý ba so với dự báo trước đó do sự bùng nổ du lịch hàng không của Mỹ bắt đầu giảm dần. Các dự báo của EIA về mức tiêu thụ xăng và dầu diesel cũng được điều chỉnh thấp hơn cho cả quý ba và năm nay.

Tuy nhiên, dự báo của EIA về tổng nhu cầu dầu ở Mỹ trong năm nay đã tăng lên do việc sử dụng khí tự nhiên lỏng ngày càng tăng.

Nga và Ả Rập Xê Út sắp bị quốc gia này 'vượt mặt' với sản lượng dầu dự kiến đạt kỷ lục, bơm ra thị trường hơn 12 triệu thùng mỗi ngày - Ảnh 1.

Ở một diễn biến khác, Ả Rập Xê Út đang cân nhắc có thể sẽ mở rộng việc cắt sản lượng dầu khi nhập khẩu dầu Trung Quốc giảm. Dữ liệu mới nhất đến từ Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô từ Ả Rập đã giảm 2,412 triệu thùng/ngày/tháng xuống mức thấp nhất trong sáu tháng là 10,429 triệu thùng/ngày do dự trữ suy yếu.

Trong khi đó, nhu cầu dầu của Ấn Độ trong tháng 7 đạt 4,70 triệu thùng/ngày, yếu hơn so với kỳ vọng của Phố Wall là 4,83 triệu thùng/ngày. Tốc độ tăng trưởng nhu cầu hàng năm của quốc gia này đã chậm lại từ 190 nghìn thùng mỗi ngày trong tháng 6 xuống còn 84 nghìn thùng/ngày trong tháng 7.

Hầu hết các chuyên gia năng lượng đã dự đoán rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ dần thắt chặt, điều này sẽ thúc đẩy giá tăng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã dự đoán mức thiếu hụt dầu khoảng 1,7 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay. Các chuyên gia hàng hóa tại Standard Chartered đã dự đoán rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ ghi nhận mức thâm hụt nguồn cung 2,81 triệu thùng/ngày trong tháng 8; 2,43 triệu thùng/ngày vào tháng 9 và hơn 2 triệu thùng/ngày vào tháng 11 và tháng 12.

Các nhà phân tích cũng dự đoán rằng tồn kho toàn cầu sẽ giảm 310 triệu thùng vào cuối năm 2023 và 94 triệu thùng nữa trong quý đầu tiên của năm 2024, do đó đẩy giá dầu lên cao hơn. Theo các chuyên gia, giá dầu Brent sẽ tăng lên 93 USD/thùng trong quý IV.

Thị trường khí đốt tự nhiên có lẽ thậm chí còn khó dự đoán hơn vào lúc này vì giá đang tăng cao mặc dù các yếu tố thúc đẩy cơ bản vẫn còn yếu và nguồn cung dồi dào. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng vọt hơn 30% vào hôm 9/8, khi các thương nhân hoảng sợ về khả năng giảm nguồn cung LNG từ Australia, nhà cung cấp mặt hàng này hàng đầu thế giới. Khí đốt tiêu chuẩn châu Âu, TFF, đã tăng lên mức cao nhất là 42 euro/MWh hôm 9/8, cao hơn 35% so với ngày hôm trước và là mức cao nhất kể từ giữa tháng Sáu.