Nhiều cửa hàng kinh doanh đồ bảo hộ lao động trên phố Lê Duẩn (Hà Nội) bán quân trang không nhãn mác. (Ảnh HUY HOÀNG) |
Nhiều người không công tác trong ngành công an, bộ đội cũng dễ dàng lên mạng hoặc ra phố Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; đường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên,… để tự sắm cho mình một bộ trang phục của lực lượng vũ trang. Lợi dụng việc mua bán dễ dàng loại quần áo này nhiều người đã giả danh các chiến sĩ công an, bộ đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ảnh hưởng đến hình ảnh của hai ngành này.
Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phối hợp Công an huyện Đăk Hà (Kon Tum) vừa kiểm tra cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo của bà Vũ Thị Nguyệt, ở số 183 đường Hùng Vương, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1.000 bộ quần áo rằn ri giống quân tư trang quân đội nước ngoài đã qua sử dụng, không có chứng từ hợp pháp. Tất cả quần áo trên được bày bán công khai tại cửa hàng.
Ngay sau đó, Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập Biên bản vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ… và ra quyết định xử phạt hộ kinh doanh này số tiền 50 triệu đồng theo quy định, đồng thời tịch thu tất cả số quần áo nêu trên. Trên nhãn mác của 1.000 chiếc áo thể hiện thông tin xuất xứ nước ngoài và là hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Sau đó, Đội Quản lý thị trường số 2 tiếp tục phát hiện, xử phạt hành chính hai cửa hàng kinh doanh quần áo rằn ri tại huyện Đăk Tô với lỗi vi phạm tương tự.
Từ vụ việc nêu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mua bán, sản xuất và sử dụng trái phép các loại quần áo gần giống với lực lượng công an, quân đội diễn ra rất phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Tại Hà Nội, nếu muốn mua các loại quần áo này, người mua dễ dàng tìm thấy ở phố Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm; khu vực xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn hoặc đường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên… với giá khoảng 300-500 nghìn đồng một bộ tùy loại.
Hầu hết tại những cửa hàng này, ngoài ủng, găng tay, quần áo bảo hộ lao động thì các mặt hàng quần áo, quân tư trang “nhái mẫu mã” của quân đội, công an được bày bán khá bắt mắt. Chủ cửa hàng cũng nhiệt tình tư vấn cả ưu điểm, hạn chế và giá cả của các loại quần áo “hàng nhái” và “hàng xịn”. Khi được hỏi tại sao các loại quần áo này không được dán nhãn mác thì một chủ cửa hàng ở phố Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Nếu dán nhãn mác vào quần áo thì tôi sẽ bị xử phạt tiền hoặc đi tù vì kinh doanh hàng giả. Thôi cứ để hàng không nhãn mác cho lành”…
Tuy nhiên, thời buổi chuyển đổi số chỉ cần lên mạng lựa chọn kích cỡ, mẫu mã quần áo và đặt hàng là có nhân viên chuyển đến tận nơi. Trong vai một khách hàng cần mua quần áo giống sĩ quan quân đội, chúng tôi liên hệ với Facebook có tên “Đồ Lính Quân Nhu” và được nhân viên tư vấn rất nhiệt tình: “Anh cứ tham khảo các mẫu trên của em, thích mẫu nào em báo giá tốt mẫu đó”.
Truy cập vào trang Facebook này có rất nhiều mẫu quần áo, quân dụng giống của quân đội, công an được bày bán, đồng thời chủ shop còn đính kèm giá cả từng mẫu, số điện thoại để khách hàng tiện liên hệ. Thí dụ, một bộ quần áo “hàng nhái” dành cho sĩ quan quân đội ngắn tay là 550 nghìn đồng, cầu vai quân hàm 150 nghìn đồng, biển tên quân nhân 100 nghìn đồng, mũ kê pi 280 nghìn đồng, thắt lưng 280 nghìn đồng, giày 450 nghìn đồng/đôi,... Tất cả quần áo, quân dụng đều được chủ shop cam kết hàng “xịn” và giá rẻ hơn các shop khác…
Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng sản xuất, mua bán và sử dụng trái phép quần áo, quân dụng gần giống với lực lượng vũ trang, các đơn vị công an, quân đội cần giám sát chặt chẽ các đơn vị sản xuất, cung ứng trang phục, thiết bị cho các cá nhân, đơn vị trong ngành. Nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ, sinh viên, học viên tại các đơn vị, trường, học viện mua bán, cho, tặng trang phục, thiết bị của ngành thì xử lý nghiêm theo quy định. Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng mức xử phạt hành chính và chế tài hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép và nhất là sản xuất hàng giả, hàng nhái đối với quân phục, thiết bị của ngành công an, quân đội.
Mọi hành vi sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép quân trang, quân phục, trang thiết bị của các lực lượng vũ trang đều được xem là vi phạm pháp luật. Trường hợp vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ các điều liên quan của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); cụ thể, Điều 190 về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 192 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả hoặc Điều 339 về hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác… Mức phạt tù cao nhất nếu cá nhân bị xử lý theo các Điều 190, 192 của Bộ luật Hình sự có thể đến 15 năm tù... Luật sư NGUYỄN XUÂN SANG (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) |
Quần áo, quân tư trang của lực lượng vũ trang thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quản lý bởi những quy định chặt chẽ. Tuy nhiên trên thực tế, việc mua bán, sản xuất quần áo, quân trang giả, nhái và sử dụng trái phép quân trang đang diễn ra phức tạp. Để hạn chế tình trạng này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp như: Chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý việc mua bán, sản xuất trái phép quần áo là hàng giả, hàng nhái của lực lượng vũ trang; đồng thời, tích cực phối hợp liên ngành giữa công an và quản lý thị trường trong việc phát hiện sớm các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái hoặc các đối tượng tuồn hàng quân phục ra ngoài để kịp thời xử lý các vi phạm. TRỊNH QUANG ĐỨC Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội |
HIẾU THẮNG VÀ THU TRANG