Cái kết đau lòng của những bà mẹ mắc trầm cảm sau sinh
Sau khi trầm mình dưới sông Ninh Cơ cùng 2 con, sản phụ V.T.L (SN 1991, trú tại xã Trực Thái, huyện Nghĩa Hưng) đã mất đi 2 con vĩnh viễn vào ngày 8/3. Một cô giáo tiểu học bỗng chốc trở thành "kẻ giết người" vì căn bệnh rối loạn thần cấp.
Trước đó, vào tháng 9/2022, V.T.L thấy áp lực trong công việc làm giáo viên tiểu học nên muốn nghỉ việc và nhiều lần có ý định tự tử. Cuối tháng 11 cùng năm, L nộp đơn xin thôi việc. Cô từ chối tiếp xúc với mọi người chung quanh. L. đã được chồng đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai khám và được chẩn đoán bệnh “rối loạn thần cấp và nhất thời”.
Cô được đề nghị nhập viện điều trị nhưng xin về nhà ngoại trú. Bác sĩ kê đơn thuốc điều trị tại nhà và hẹn tái khám sau 10 ngày. Sau khi sử dụng đơn thuốc, bệnh tình có giảm dần, tuy nhiên cô vẫn không muốn tiếp xúc, nói chuyện với mọi người. Nữ giáo viên này vẫn có ý định tự tử cùng 2 con.
Sáng 8/3, bi kịch đã xảy ra khi sản phụ đem theo 2 con gái đến bờ sông Ninh Cơ (xã Nghĩa Sơn) để tự tử. Nhưng ra được một đoạn, khi nước ngập đầu cả 3 mẹ con một lúc thì sóng nước đẩy họ vào bờ. Khi người mẹ bế được 2 con lên bờ, thì các cháu đã tử vong.
Chỉ 2 ngày sau đó, một sản phụ sinh năm 1989, trú tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ quyết định kết liễu đời mình chỉ sau 2 tháng sinh con bằng cách nhảy từ tầng 7 xuống đất tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ.
Theo lãnh đạo bệnh viện, người phụ nữ này mới sinh con được khoảng 2 tháng, cách đây vài ngày, nạn nhân có đến Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ khám. Trước khi nhảy lầu, sản phụ đã ngồi rất lâu trên tầng 7 bệnh viện, sau đó để lại áo, điện thoại di động và nhảy xuống tự tử. Nạn nhân nghi mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Hãy quan tâm đến các sản phụ sau sinh
PGS, TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trầm cảm sau sinh ngày càng được phát hiện nhiều hơn. 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức, nhưng hiện nay có khoảng 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.
Sau sinh có tới 30-85% phụ nữ rơi vào trạng thái buồn sau sinh với triệu chứng cảm xúc dễ dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu. Ở Việt Nam, các nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản, sử dụng thang EPDS, tỷ lệ trầm cảm sau sinh từ 11,6%-33%.
Những trường hợp đưa tới viện thường có biểu hiện rất nặng nề. Tuy nhiên, còn rất nhiều trường hợp sản phụ có biểu hiện nhẹ hoặc không chia sẻ, cố tình giấu bệnh dẫn tới tình trạng nặng nề hơn. Hoặc có trường hợp biểu hiện bằng triệu chứng khác như mệt mỏi, mất ngủ, tức ngực, không đến viện mà đi khám chuyên khoa về thần kinh, tim mạch nên không tìm ra được căn nguyên để điều trị.
Nhiều người vẫn chủ quan và có những quan niệm không đúng về trầm cảm sau sinh. Họ nghĩ rằng đó chỉ là những cảm xúc tâm lý bất thường trong một thời gian ngắn rồi chúng sẽ qua đi. Vì thế nhiều gia đình có người thân bị trầm cảm nhưng không được quan tâm điều trị.
Thực tế, bệnh trầm cảm nói chung và trầm cảm ở phụ nữ sau sinh nguy hiểm hơn những gì chúng ta nghĩ. Cơ thể người mẹ luôn mệt mỏi, không có sức sống nên tác động xấu đến việc chăm sóc con cái.
Người mẹ trầm cảm nặng thường nghĩ đến cái chết. Do đó nguy cơ tự tử cao để giải thoát cho bản thân.
Sản phụ mắc bệnh lý này sẽ không thương yêu con và nghĩ rằng đứa con chính là nguyên nhân của mọi buồn bã, khó khăn. Vì thế, họ có nguy cơ sát hại con mình. Bệnh có thể trở thành mạn tính nếu không được điều trị sớm.
Em bé có mẹ bị bệnh phải đối mặt với các nguy cơ: Ngôn ngữ và vận động chậm phát triển, giao tiếp kém, dễ bị kích động, bị hạn chế trong việc thích nghi với chung quanh,…
Theo bác sĩ Tuấn, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hay các bệnh tâm thần khác hay những vấn đề tâm lý khác). Có những sản phụ cả 3 lần sinh con đều bị trầm cảm.
Do vậy, theo các bác sĩ, quan trọng nhất là người thân phát hiện sản phụ có dấu hiệu trầm cảm để đưa đi thăm khám sớm và điều trị kịp thời. Biểu hiện dễ thấy nhất là trầm cảm xuất hiện ở sản phụ trong 3 tuần đầu sau sinh như: Buồn rầu, chán nản không biết lý do, luôn trong tình trạng vô vọng, trống rỗng; khóc thường xuyên, luôn cảm thấy sợ hãi; hay cáu kỉnh, mất ngủ, giảm khả năng tập trung, mất quan tâm thích thú; ăn ít, ngại tiếp xúc với mọi người; có ý định và hành vi tự sát, thậm chí giết chết con mình.
Vai trò của người thân trong gia đình rất quan trọng. Bác sĩ khám cho người bệnh, đồng thời cũng phải tư vấn cho người thân đồng hành cùng người bệnh trong suốt quá trình điều trị, như phải theo dõi họ uống thuốc đúng giờ, theo dõi tác dụng phụ của thuốc, trông con giúp người bệnh buổi đêm…
Gia đình sẽ theo dõi những dấu hiệu, triệu chứng nặng của người bệnh như: Lời nói thoảng qua hay kế hoạch của việc tự sát; việc tự làm hại bản thân; từ chối điều trị bằng bỏ thuốc, giả vờ uống thuốc… thấy rõ dấu hiệu ý định tự sát để ngăn chặn. Đặc biệt, người thân phải luôn theo sát người bệnh khi nhận thấy họ có biểu hiện khác thường, nghi ngờ.
Bệnh trầm cảm sau sinh không ngoại trừ bất cứ ai. Tuy nhiên nguy cơ cao hơn xảy ra ở những người mẹ có tiền sử rối loạn tâm lý. Bởi vậy trước và sau khi sinh, phụ nữ cần tìm hiểu về bệnh này và có kế hoạch phòng ngừa bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo sản phụ nên khám sức khỏe tổng quát để giúp phát hiện bệnh trầm cảm từ sớm. Có lối sống lành mạnh kết hợp chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai.
Việc tham gia các lớp tiền sản sẽ rất tốt cho mẹ bầu để được trang bị những kiến thức quan trọng trong quá trình mang thai, sinh nở, cách chăm sóc bé,…Từ đó người mẹ sẽ không bị áp lực và bỡ ngỡ sau khi sinh.
Sau sinh, sản phụ không tạo áp lực quá nhiều cho bản thân, dành thời gian để nghỉ ngơi, kết nối với người thân, bạn bè để ngăn ngừa rối loạn cảm xúc. Không nên cô lập bản thân. Sản phụ nên yêu cầu người thân giúp đỡ để cùng chăm sóc em bé. Từ đó người mẹ sẽ có thời gian ngủ, nghỉ và tâm lý thoải mái hơn.