Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi nhận thấy các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã cụ thể hơn quy định của Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra: Ai là người được lấy ý kiến? Người dân nói chung hay người đại diện cho dân? Ai là người đại diện cho dân? Vai trò của các chuyên gia như thế nào trong quá trình lấy ý kiến nhân dân? Ngoài hai hình thức lấy ý kiến như trong dự thảo thì còn hình thức nào nữa không? Nếu tổ chức hội nghị thì cách thức chuẩn bị, nêu vấn đề, tổ chức thảo luận, góp ý kiến, tập hợp ý kiến như thế nào để hội nghị có chất lượng, không mang tính thủ tục thuần túy? Có lấy ý kiến bằng cách bỏ phiếu không? Bao nhiêu phần trăm người được hỏi tán thành thì cần đưa vào nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất? Trong trường hợp cơ quan tổ chức lấy ý kiến không giải trình thì có phải chịu trách nhiệm gì không? Các vấn đề này nên quy định cụ thể, chi tiết hơn trong luật.
Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 63 quy định về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia của dự thảo cần có thêm quy định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch. Nếu có quy định này, sẽ tạo ra cơ sở khắc phục được tình trạng các quy hoạch sử dụng đất quốc gia bị phê duyệt chậm như trong thời gian vừa qua.
Vừa qua, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không đúng quy định làm phương hại đến lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia. Bởi vậy, các quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể, chặt chẽ hơn để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng trên. Cần quy định về các nguyên tắc và việc lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Có thể áp dụng các nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như là các nguyên tắc của việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ chế ngăn ngừa nhóm lợi ích tác động vào việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì lợi ích riêng, trục lợi cá nhân.
Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các quy định về quy hoạch có trong tất cả các văn bản pháp luật. Từ đó phát hiện ra các mâu thuẫn, chồng chéo để có phương án giải quyết một cách phù hợp.
GS, TS PHẠM HỮU NGHỊ
Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật