Ngày 11/10, Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã làm việc, khảo sát tình hình thực tế tại tỉnh Lào Cai.
Báo cáo về kết quả sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Thắng Bùi Thị Hải Vân cho biết giai đoạn 2013-2023, huyện Bảo Thắng đã tích cực huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học. Đến nay toàn huyện không còn phòng học tạm, học nhờ.
Bước đầu trang bị cho các trường những phương tiện, đồ dùng dạy học hiện đại. Tính đến hết năm 2023, toàn huyện có 68/73 trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất (đạt tỉ lệ 93,1%; tăng 9,8% so với năm 2013).
10 năm thực hiện Nghị quyết 29, chất lượng giáo dục ở các cấp học có nhiều chuyển biến rõ nét, thực chất. Thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn.
Kết quả học sinh đạt giải trong các cuộc thi được duy trì bền vững tăng so với giai đoạn trước. Các hoạt động đổi mới được triển khai đồng bộ, đạt kết quả nổi bật như giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học kĩ thuật trong học sinh.
Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh lại quan điểm, những nhiệm vụ giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 29 với yêu cầu, mỗi cấp quản lý giáo dục, mỗi trường học phải thật sự thấm nhuần, có như vậy mới có thể triển khai sâu rộng và hiệu quả những nhiệm vụ của Nghị quyết.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý cần đánh giá đầy đủ sự vào cuộc và vai trò phối hợp của các các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị -xã hội, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và toàn xã hội… trong thực hiện Nghị quyết 29. Thứ trưởng khẳng định, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là việc ngành giáo dục không thể “đơn thương độc mã”.
Vì đổi mới vẫn còn tiếp tục trong giai đoạn tới, do dó, Thứ trưởng đề nghị huyện Bảo Thắng sẽ có những kiến nghị, đề xuất chính sách lớn về giáo dục và đào tạo, bao gồm cả việc đề xuất có nên có một Nghị quyết mới hay không?
Theo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Tỉnh uỷ Lào Cai đánh giá sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tầng lớp nhân dân về giáo dục và đào tạo được nâng lên rõ rệt.
Quán triệt sâu sắc 7 quan điếm, 9 nhiệm vụ của Nghị quyết 29, Tỉnh ủy đã xây dụng Chương trình hành động, ban hành văn bản chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cụ thể hóa nội dung Nghị quyết, triển khai phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
Chất lượng giáo dục toàn diện đã có bước tiến bộ vững chắc. Giáo dục mầm non tiếp tục được quan tâm đầu tư; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được nâng lên rõ rệt. Giáo dục tiểu học ổn định về số lượng, quy mô; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên qua việc áp dụng nhiều mô hình giáo dục mới.
Tuy nhiên, tại báo cáo của tỉnh Lào Cai cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế. Đó là, chưa chú ý đến đánh giá, dự báo tình hình để chú động, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên chưa được giải quyết hiệu quả, vẫn thiếu giáo viên ở các cấp học nhất là giáo viên dạy các môn chuyên biệt, có thời điểm giáo viên xin nghỉ việc nhiều. Chất lượng giáo dục đại trà có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa có nhiều sáng tạo, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế được tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, đó là một số cấp uỷ, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác đối mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xem đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong một số việc, ở một số giai đoạn chưa thật đồng bộ nên hiệu quả chưa cao.
Tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ Lào Cai, đại diện các đơn vị của Bộ GD&ĐT và các Sở, ngành, đơn vị của tỉnh Lào Cai đã có những trao đổi làm rõ một số vấn đề xung quanh giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp, quy hoạch trường lớp, đặc biệt là ở vùng khó khăn; giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên; giải pháp cho việc dạy văn hoá trong trường nghề ở các trường cấp huyện; vấn đề phân luồng, hướng nghiệp sau THCS.