Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay ngành khởi nghiệp xe điện Mỹ đang khó khăn chưa từng thấy. Một số startup xe điện nổi tiếng như Fisker hay Arrival đã nộp đơn xin phá sản vào đầu năm nay.
Mới đây, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất của Châu Âu là Northvolt cũng nộp đơn xin phá sản sau khi mất hợp đồng từ BMW.
Theo WSJ, ít nhất 10 startup khác trong ngành xe điện hay ắc quy đang đối mặt nguy cơ hết tiền vào mùa hè năm sau.
Ngay cả cổ phiếu của các hãng khởi nghiệp xe điện cũng lao đao khi mã Rivian Automotive và Lucid Group giảm 40% từ đầu năm đến nay vì bối cảnh thị trường ảm đạm.
Trong tuần qua, Rivian đã nhận được sự chấp thuận có điều kiện cho khoản vay của chính phủ lên tới 6,6 tỷ USD để tăng năng lực sản xuất. Dẫu vậy các nhà đầu tư vẫn lo ngại về chi phí và viễn cảnh rằng nhà sản xuất xe tải điện này có thể không nhận được tiền từ ông Donald Trump.
Tờ WSJ cho hay nhiều startup xe điện hiện nay đang lao đao vì nhu cầu thị trường giảm, chi phí sản xuất tăng cùng các trở ngại trong chuỗi cung ứng đã cản trở khả năng tung ra sản phẩm mới nhanh chóng. Thêm vào đó giá cổ phiếu giảm mạnh càng khiến hàng tỷ USD vốn hóa bốc hơi, làm nản lòng nhà đầu tư.
Tệ hơn, việc ông Donald Trump đắc cử càng khiến tương lai của toàn ngành ảm đạm do lo ngại bị cắt giảm hỗ trợ. Từ một ngành con cưng làm biểu tượng cho sự cạnh tranh công nghệ của Mỹ, giờ đây xe điện đang lâm vào cảnh bị bỏ rơi.
"Thật là thảm họa khi nhu cầu xe điện của người tiêu dùng giảm xuống", CEO Ted Brandt của Marathon Capital cho biết.
Nghiên cứu của WSJ về 54 startup ngành xe điện và ắc quy cho thấy 7 hãng đã phải nộp đơn xin phá sản. Trong số 36 hãng còn hoạt động và có đủ dữ liệu để phân tích thì ¾ đang thua lỗ và 13 startup dự kiến sẽ hết tiền vào mùa hè năm 2025.
Sụp đổ?
Theo WSJ, ông Donald Trump dự kiến sẽ giáng thêm một đòn nữa vào ngành xe điện khi cam kết xóa bỏ khoản tín dụng thuế ưu đãi 7.500 USD cho người mua xe điện.
Chính sách kích cầu này cùng hàng loạt nguồn tài trợ khác cho ngành xe điện dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể bị xóa bỏ dưới nhiệm kỳ nhà lãnh đạo mới.
Trong khi đó, thuế quan mới gia tăng đối với xe hơi và phụ tùng nhập khẩu có thể đẩy chi phí sản xuất ô tô điện lên cao hơn nữa.
Hàng loạt những rào cản này đang phá vỡ chuỗi cung ứng ô tô, làm suy yếu nhu cầu về xe điện, pin và thiết bị, vật liệu liên quan.
"Dường như toàn bộ hệ sinh thái xe điện đang sụp đổ", CEO Brandt của Marathon Capital nhận định.
Tờ WSJ cho hay nhiều startup đã niêm yết lên sàn chứng khoán những năm gần đây để bắt chước thành công của Tesla, kỳ vọng tạo nên một Elon Musk thứ 2.
Thế nhưng giấc mơ này đã thất bại khi chưa có công ty Mỹ nào thành công, trong khi đối thủ Trung Quốc lại vươn mình trỗi dậy ngoài sức tưởng tượng.
Ngay cả những tập đoàn lớn như Ford và General Motors, vốn cam kết hàng tỷ USD mở rộng dự án xe điện thì hiện đang trì hoãn hoặc rút lại một số khoản đầu tư vì doanh số ô tô điện chưa đạt được như dự kiến.
Trước tình hình đó, nhiều người lo ngại Mỹ sẽ tụt hậu xa hơn nữa trước các đối thủ Trung Quốc trong mảng xe điện và năng lượng sạch.
"Nếu tình hình tiếp tục như vậy thì chúng ta vừa từ bỏ một động lực phát triển kinh tế chính trong 50 năm tới", giám đốc Aniket Shah tại ngân hàng đầu tư Jefferies Group thừa nhận.
Giọt nước tràn ly cho những quan điểm trên đến từ vụ phá sản của Northvolt, hãng pin xe điện lớn nhất của Châu Âu, vốn là niềm hy vọng vực dậy lại vị thế ngành xe hơi cho Phương Tây.
Thế nhưng startup gọi vốn được 15 tỷ USD trong gần ¼ thập kỷ từ những tên tuổi ủng hộ như Volkswagen, Goldman Sachs Asset Management và Liên minh Châu Âu (EU) này đã sụp đổ, làm nản lòng các nhà đầu tư.
Giờ đây sự phấn khích cho ngành xe điện đã không còn như trước khi mọi người nhận ra ưu thế quá lớn của Trung Quốc và cuộc chơi không dễ như nhiều người nghĩ.
Thị trường ảm đạm cùng sự thay đổi chính sách của Mỹ cho ngành xe điện đang biến nhiều startup từ cục cưng thành con rơi.
Bế tắc
Khảo sát của WSJ cho thấy hàng loạt dự án khởi nghiệp ngành xe điện tại Mỹ đang chững lại.
Ví dụ Li-Cycle Holdings, một công ty đã hứa sẽ biến pin tái chế thành vật liệu hữu ích được chính phủ Mỹ chấp thuận khoản vay 475 triệu USD để xây dựng một nhà máy ở Rochester, New York.
Thế nhưng vào cuối tháng 9/2024, công ty này chỉ còn đủ tiền mặt để duy trì hoạt động trong khoảng 6 tháng và đã phải tạm dừng xây dựng nhà máy do chi phí tăng vọt.
Cổ phiếu Li-Cycle đã giảm hơn 97% so với giá lúc mới niêm yết.
Tương tự, nhà sản xuất xe tải điện Canoo cũng đang đốt tiền khi kinh doanh không có lợi nhuận. Hãng này đã phải sa thải khoảng 1/4 lực lượng lao động tại Oklahoma City để tiết kiệm chi phí hoạt động.
Xin được nhắc rằng trước đó, Canoo đã nhận được gói ưu đãi trị giá 113 triệu USD từ chính phủ để tạo ra hơn 1.300 việc làm tại các nhà máy sản xuất ở Oklahoma. Hãng cũng đã cam kết sẽ nhanh chóng đạt doanh thu 1,4 tỷ USD trong năm nay, sau khi niêm yết công khai trên sàn chứng khoán vào năm 2020.
Thế nhưng những gì đang diễn ra lại dập tắt mọi hy vọng từ nhà đầu tư. Vào tháng 11/2024, Canoo đã phải vay thêm 12 triệu USD từ một công ty đầu tư.
Một trường hợp thê thảm hơn là Thunder Power Holdings, từng đề xuất sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những chiếc xe điện tốt hơn, đã phải sáp nhập ngược vì kinh doanh thua lỗ.
Cổ phiếu của Thunder nhanh chóng giảm hơn 97% xuống còn 25 xu vào phiên 27/11/2024.
"Nhiều startup nghĩ rằng họ có thể tạo ra một Tesla thứ 2, nhưng lặp lại thành công này chẳng hề dễ", CEO Brian Dobson của Clear Street nhận định.
*Nguồn: WSJ