Ngày Nước thế giới: Thay đổi để bảo vệ “huyết mạch” của nhân loại

Admin

Hội nghị Nước năm 2023 của Liên hợp quốc, diễn ra ở Mỹ, trùng thời điểm với Ngày Nước thế giới 22/3 là cơ hội để thế giới tăng cường hành động thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

2203nuocsach-1679450620.jpg

(Nguồn: amcow)

Dù 3/4 diện tích bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi nước, thế giới vẫn đang phải vật lộn với việc tiếp cận nước sạch.

Theo các số liệu của Liên hợp quốc, hiện nay, có hơn 2 tỷ người trên thế giới thiếu nước sạch. 771 triệu người không được tiếp cận với nước sạch gần nơi sinh sống, khiến hàng triệu trẻ em gái phải đi bộ nhiều km mỗi ngày để lấy nước.

Gần một nửa dân số toàn cầu, tức khoảng 3,6 tỷ người, sống trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Trên toàn cầu, 44% nước thải hộ gia đình không được xử lý an toàn, trong khi nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém lại là nguyên nhân giết chết hàng triệu người mỗi năm.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, 1,4 triệu người tử vong mỗi năm và 74 triệu người bị rút ngắn tuổi thọ do các bệnh liên quan đến nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém.

Trong khi nguồn cung nước sạch là hữu hạn, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nhu cầu tiêu dùng nước toàn cầu sẽ tăng 55% vào năm 2050.

Ước tính, đến năm 2050, sẽ có 5 tỷ người phải vật lộn để có đủ nước đáp ứng nhu cầu trong ít nhất một tháng mỗi năm.

Nhu cầu về nước ngày càng tăng cùng với việc quản lý kém, cộng thêm tác động của biến đổi khí hậu, đã làm gia tăng căng thẳng về nước trên toàn thế giới.

Trước nhu cầu cấp bách cần hành động vì nước, Ngày Nước thế giới (22/3) năm nay có chủ đề “Thúc đẩy sự thay đổi” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh. Một chiến dịch toàn cầu có tên gọi “Be the change” đã được phát động để khuyến khích mọi người hành động, thay đổi cách sử dụng, tiêu thụ và quản lý nước.

Trong thông điệp nhân Ngày Nước thế giới 2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định nước là huyết mạch của thế giới. “Từ sức khỏe tới dinh dưỡng, giáo dục tới cơ sở hạ tầng, nước rất quan trọng đối với mọi khía cạnh của sự sống và phúc lợi của con người, cũng như sự phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của mọi quốc gia. Tuy nhiên, từng giọt nước, nguồn sống quý giá, đang bị đầu độc bởi ô nhiễm và cạn kiệt do lạm dụng.”

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, thế giới đang đi chệch hướng một cách đáng báo động trong tiến trình hướng tới Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) thứ sáu – đảm bảo nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.

Điều này cũng gây rủi ro cho việc đạt được các SDG khác, bởi nước có mối liên kết chặt chẽ với khí hậu, năng lượng, môi trường, an ninh lương thực, nghèo đói, bình đẳng giới và sức khỏe, cùng nhiều vấn đề khác.

Để đáp ứng SDG 6 đúng hạn, ước tính các chính phủ cần phải làm việc với nỗ lực gấp nhiều lần, đồng thời cần sự hợp tác giữa nhiều bên, gồm cả khu vực công, tư hay các tổ chức phi chính phủ. Nước là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến tất cả mọi người, do đó mọi người cần cùng hợp tác hành động.

Bất kỳ hành động nào, dù nhỏ hay lớn, đều có thể giúp đẩy nhanh sự thay đổi để đạt được các mục tiêu của SDG 6. Đối với mỗi cá nhân, sự thay đổi có thể tới từ việc tiết kiệm nước và ngừng gây ô nhiễm, bắt đầu bằng những hành động đơn giản như tắm trong thời gian ngắn hơn, không để nước chảy khi đánh răng, ngừng đổ chất thải thực phẩm, dầu ăn, thuốc và hóa chất xuống cống...

Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm địa phương, thực phẩm theo mùa, trồng cây, tham gia dọn dẹp sông, hồ hoặc bãi biển gần nơi sinh sống cũng là những hành động góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Dù hành động của mỗi cá nhân là quan trọng, song theo các chuyên gia từ Viện Nước quốc tế Stockholm (Thụy Điển), để có sự thay đổi thực sự bền vững, cần có những hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý và các chính phủ phải cam kết thực hiện mục tiêu một cách nghiêm ngặt.

Hội nghị Nước năm 2023 của Liên hợp quốc, diễn ra trùng thời điểm với Ngày Nước thế giới năm nay, được xem là cơ hội “nghìn năm có một” để thế giới tăng cường hành động thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Gần 50 năm sau hội nghị về nước đầu tiên ở Argentina, Hội nghị Nước 2023 của Liên hợp quốc, diễn ra từ ngày 22-24/3 tại trụ sở ở New York, Mỹ, do Tajikistan và Hà Lan đồng tổ chức, là dịp để các bên đưa ra những cam kết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDG 6 cũng như các mục tiêu khác liên quan đến nước đã được thông qua trước đó.

Đại diện thường trực Hà Lan tại Liên hợp quốc, bà Yoka Brandt nhấn mạnh, hội nghị Nước của Liên hợp quốc sẽ phải tìm kiếm các giải pháp mang tính bước ngoặt đối với cuộc khủng hoảng nước toàn cầu.

2203nuocsach2-1679450651.jpg

(Ảnh minh họa: THX/TTXVN)

Nước là sự sống, là nền tảng cho cuộc sống hằng ngày. Khan hiếm nước làm suy yếu an ninh lương thực và y tế, ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung năng lượng và các mục tiêu khí hậu.

Quá nhiều nước lại khiến các cộng đồng phải đối mặt với bão, mưa và lũ. Ước tính, lũ lụt và các thảm họa khác liên quan đến nước có thể gây thiệt hại 5.600 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050.

Trong khi đó, ô nhiễm và thiếu khả năng tiếp cận nước sạch, các cơ sở vệ sinh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp về nước là cần thiết vì nó sẽ đóng góp đáng kể vào việc đạt được tất cả các SDG.

Về phần mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres tuyên bố Hội nghị Nước lần này là cơ hội để các chính phủ, chính quyền địa phương và khu vực, các doanh nghiệp, nhà khoa học, thanh niên, các tổ chức và cộng đồng hợp lực, cùng thiết kế và đầu tư vào các giải pháp để đạt được mục tiêu nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người.

Hội nghị phải thúc đẩy một chương trình hành động táo bạo nhằm mang lại cho “huyết mạch của thế giới” những cam kết xứng đáng. Theo ông, Ngày Nước thế giới năm nay nhắc nhở chúng ta về vai trò cá nhân và tập thể trong việc bảo vệ, sử dụng bền vững và quản lý nước cho các thế hệ hiện tại và tương lai, bởi "chúng ta cần hành động dứt khoát trước khi quá muộn.

Hãy hành động để bảo vệ, quản lý bền vững và đảm bảo quyền tiếp cận nước công bằng cho tất cả mọi người.”./.